Hai gói thầu A7, A8 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa phận Lào Cai dài trên 50km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 3/2014, rút ngắn thời gian đi từ Lào Cai xuống Bảo Hà từ 4 tiếng đồng hồ xuống còn 1 tiếng. Tuy nhiên, từ sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài cho biết Sở này đang khẩn trương đôn đốc đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục những điểm bất hợp lý và tiếp tục bổ sung thêm một số hạng mục nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Sau khi khảo sát toàn bộ tuyến đường và nắm được những khó khăn của người dân, Sở đã đề nghị Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bổ sung thêm hệ thống cống chui, đường gom dân sinh tại những điểm bất cập; bổ sung hệ thống thoát nước dọc các điểm có cống chui, cầu vượt đang thi công; yêu cầu VEC sớm làm việc với các địa phương về việc sử dụng tuyến đường phục vụ thi công đường cao tốc để có phương án sửa chữa định kỳ, hoàn trả các tuyến đường này sau khi thi công xong đường cao tốc... Đặc biệt, đối với các hộ dân nằm ngoài khu vực giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng, Sở đã đề nghị VEC đưa ra phương án giải quyết ngay, tránh gây bức xúc trong dân.
Một đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc gói thầu A1 mới được đưa vào khai thác. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Tại gói thầu A7 - địa phận xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) có 25 cống chui dân sinh, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 cống có thể đi lại được, số còn lại lầy lội, ngập nước. Nguyên nhân là do thiết kế cống thấp hơn mặt bằng xung quanh, cùng với hệ thống thoát nước chưa được xây dựng đồng bộ với đường, nên khi trời mưa, nước đọng lại, gây ngập úng.
Ngoài ra, việc đi lại để sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, do tuyến đường cao tốc chia đôi cánh đồng hay quả đồi, một số hộ dân chỉ sống cách ruộng, đồi của nhà mình khoảng 200 m, nhưng nay phải đi vòng tới 5 km để qua cống chui dân sinh mới sang được. Người lớn đi lại đã vậy, các cháu học sinh càng khó khăn hơn khi đến lớp, bởi phải qua sình lầy ngập nước và lối vòng xa gấp nhiều lần trước đó.
Ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết: Khi tuyến đường được hoàn thành, xã Cam Cọn bị chia làm đôi, khiến người dân đi lại chăm sóc, khai thác vườn rừng rất khó khăn. Ở thôn này cũng có 25 ha ruộng có nguy cơ ngập úng trong mùa mưa, một số ruộng phải bỏ hoang do cống thoát nước từ đường cao tốc chảy xuống mà chưa có lối thoát.
Không chỉ thôn Cọn 1 gặp khó khăn mà các thôn Cọn 2, thôn Hồng Cam… rất bức xúc vì ruộng của họ đang có nguy cơ trở thành hồ nước khi mùa mưa tới. “Chúng tôi mong muốn chính quyền xã, chủ đầu tư và các đơn vị thi công nhanh chóng có phương án xử lý để có đất sản xuất, cứ như thế này thì chết đói mất” - ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Cam Cọn nói.
Đem những bức xúc của người dân trao đổi với đại diện Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), phía nhà thầu cho biết đang thiết kế thêm một số đường gom dân sinh, hệ thống thủy lợi, cống thoát nước và sửa chữa các cống dân sinh đang trong tình trạng ngập úng. Đặc biệt, đơn vị thi công sẽ nhanh chóng sửa chữa tuyến đường Sơn Hà (Bảo Thắng) - Cam Cọn (Bảo Yên) - Tân Thượng (Văn Bàn) để người dân thuận tiện hơn trong đi lại. Trước khi thi công, nhà thầu và chính quyền các xã sẽ họp bàn để thống nhất các phương án nhằm đáp ứng được tiến độ, đảm bảo yếu tố kinh tế - kỹ thuật cho toàn bộ tuyến đường, cũng như ổn định cuộc sống của người dân.
VT