Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động được lĩnh lương hưu khi đủ 60 tuổi (nam giới) và 55 tuổi với nữ giới) và đủ 20 năm đóng BHXH. Trường hợp đủ tuổi hưu nhưng còn thiếu năm đóng BHXH, cách tốt nhất là tham gia BHXH tự nguyện để có đủ năm đóng BHXH theo quy định.
Về phương thức đóng BHXH tự nguyện, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a. Đóng hằng tháng;
b. Đóng 03 tháng một lần;
c. Đóng 06 tháng một lần;
d. Đóng 12 tháng một lần;
đ. Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
Về thời điểm hưởng lương hưu, Điều 6 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định thời điểm hưởng lương hưu.
Thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 73 của Luật BHXH và Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 9 Nghị định này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Bạn căn cứ vào quy định cụ thể về số năm đóng BHXH của bố bạn và điều kiện tài chính của gia đình để có thể đóng một lần rồi hưởng lương hưu.