Khởi kiện nợ BHXH nhưng chưa xử được vụ nào
“Hiện công đoàn đã chuyển hơn 3.000 hồ sơ nợ BHXH của doanh nghiệp sang Toà án để thụ lý theo quy định của Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý còn vướng mắc bởi sự khác biệt trong nhận thức từ các quy định pháp luật liên quan nên số vụ được thụ lý và khởi kiện không đáng kể”, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết.
Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành, gồm: Luật tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Toà án các cấp vẫn từ chối thụ lý.
“Đơn cử như tư cách khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ do tổ chức công đoàn cơ sở hay tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp? Có nơi vẫn cho rằng, trình tự xử lý nợ BHXH cần theo thủ tục giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Do đó cần được cấp chủ tịch UBND huyện giải quyết. Nếu không giải quyết được thì toà án mới vào cuộc... Một số nơi lại cho rằng việc khởi kiện của công đoàn phải có sự ủy quyền của người lao động. Trong khi Hiến pháp đã quy định rõ vai trò đại diện của người lao động của tổ chức công đoàn. Do đó việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH không cần thiết phải lấy đầy đủ chữ ký của người lao động khi uỷ quyền cho tổ chức công đoàn. Điều này có ý nghĩa khi doanh nghiệp có tới hàng ngàn lao động có tranh chấp về BHXH với chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn tránh được việc phải đi lấy chữ ký của từng người khi đứng ra đại diện khởi kiện”, ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.
“Mặt khác, tư cách đại diện khởi kiện có thể giao cho tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm BHXH. Điều này nhằm giúp tránh “thế bí” cho cán bộ công đoàn cơ sở khi đang trực tiếp nhận lương và chịu sự phân công công việc của chủ doanh nghiệp”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.
Để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được diễn ra thuận lợi, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ làm việc với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Toà án Nhân dân Tối cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Công đoàn đại diện người lao động khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH.
Về khó khăn trong khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh thông tin: “Nợ đọng, trốn đóng BHXH ảnh hương nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, đến nay Cơ quan BHXH đã gửi 150 doanh nghiệp nợ BHXH cho Công đoàn khởi kiện nhưng đến đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp được tòa án thụ lý giải quyết”.
Triển khai giám sát nợ BHXH
Trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, trong khi chờ hướng giải quyết từ cơ quan chức năng, từ năm 2014, Tổng Liên đoàn lao động đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 – 6 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian qua, tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỷ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 – 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỷ đồng. Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật...
Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.
Bên cạnh đó, hàng năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều tham gia với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra việc tuân thủ pháp luật về lao động tại các địa phương, trong đó có các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.