Để gas không còn là “quả bom nổ chậm”

Do liên tục được cảnh báo song những tai nạn thương tâm do nổ bình gas vẫn cứ diễn ra. Đặc biệt mới đây, vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại ngôi nhà 3 tầng, một tum tổ 51 phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm hai cháu bé thiệt mạng.

Người tiêu dùng kiểm tra chất lượng bình gas trước khi đưa vào sử dụng.


Hơn bao giờ hết, lúc này, từng đơn vị kinh doanh gas phải nâng cao hơn nữa cái “tâm” trong kinh doanh và trách nhiệm quản lý; còn người tiêu dùng phải học các kiến thức sử dụng gas an toàn để bảo vệ mình, nguời thân và cộng đồng.

Trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường gas Việt Nam vẫn còn kém an toàn nên hàng năm số vụ tai nạn, chết người do nổ bình gas vẫn gia tăng. Theo thông tin từ Khoa bỏng- Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), mỗi tháng khoa bỏng của bệnh viện tiếp nhận khoảng vài chục ca liên quan đến gas. Số lượng bệnh nhân đã tăng nhiều so với vài năm trước. Có nhiều nguyên nhân khiến bình gas trong các gia đình dần trở thành các “quả bom nổ chậm” như: Nhiều cơ sở kinh doanh gas vẫn chưa đạt đủ điều kiện vận hành; khâu đào tạo người lao động còn kém. Thực tế, nhiều đại lý gas khi tuyển người chuyên chở bốc xếp chỉ là lao động bình thường, không được tập huấn nên việc vận chuyển chưa đúng quy trình; công tác tư vấn thông tin sử dụng gas an toàn còn yếu; trong khi đó, trên thị trường vỏ bình gas kém chất lượng vẫn được bán tràn lan…

Ông Lê Phúc Đại- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (thương hiệu Vinagas) cho biết: Không phải đến khi xảy ra các vụ tai nạn thương tâm gần đây, công ty mới ý thức về việc kinh doanh gas an toàn. “Đã từ lâu, công ty luôn chú trọng khâu đào tạo nhân lực; giám sát kỹ các hoạt động của cán bộ cũng như nhân viên bán hàng. Mỗi khi giao hàng, nhân viên Vinagas đều gửi bản thăm dò ý kiến để ghi nhận những thông tin từ phía khách hàng. Công ty còn thực hiện các chương trình tư vấn cho người dân như: Cách đặt bếp và bình gas sao cho hợp lý; khi xảy ra sự cố phải thực hiện các bước ra sao...”, ông Đại nói.

Tuy nhiên, đại diện Vinagas cũng băn khoăn: Một trong những lý do khiến thị trường gas phát triển vẫn kém an toàn còn là do đa phần người dân chưa hiểu về sản phẩm gas. Ví dụ: Vỏ bình gas là thuộc quyền quản lý của công ty để duy trì việc bảo dưỡng nhưng người dân vẫn nghĩ là của mình nên tự ý bán. Việc làm này đã vô tình tiếp tay cho những cơ sở chiết gas lậu.

Trong khi đó, trên thị trường vẫn tồn tại tình trạng trôi nổi của những bình gas giả, kém chất lượng. Để giúp người dân tránh mua phải gas giả, một số chủ kinh doanh gas tại Hà Nội cho biết: Bình gas chuẩn có đặc điểm là in dập nổi tên nhà sản xuất, không móp, méo và hoen gỉ quá nhiều.

Ông Nguyễn Sĩ Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết thêm: Việc sử dụng gas an toàn còn phụ thuộc chính bản thân người tiêu dùng. Nếu thấy bình gas bị bẩn, không đảm bảo an toàn, khách hàng có thể yêu cầu cửa hàng đổi; “tẩy chay” những cửa hàng gas phục vụ không tốt.

Theo nhiều cửa hàng kinh doanh gas, khi đổi gas, người tiêu dùng cần yêu cầu nhân viên kiểm tra cân xem có đủ số lượng và quan sát vỏ bình có dập nổi đúng tên của nhà cung cấp hay không. Sau khi đun nấu, nên khóa van gas thì sẽ không xảy ra tình trạng rò rỉ. Nếu ngửi thấy mùi gas thì ngay lập tức phải dập các nguồn lửa và điện, đồng thời nhanh chóng gọi cứu trợ.

Ông Thắng chia sẻ: Gas rò rỉ chủ yếu ở bốn khâu là rò rỉ từ đầu van điều áp, van đầu bình gas, các đầu nối ống dẫn với van và do đường dây dẫn khí gas bị bẩn, chuột cắn, rạn, nứt. Vì vậy, mỗi lần thay gas, người tiêu dùng cần phải yêu cầu bên lắp đặt kiểm tra van, dây dẫn khí cho mình.

Siết chặt quản lý

Đại diện Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng: Nghị định 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có quy định rất rõ việc các cơ sở kinh doanh LPG phải tuân thủ pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; thương nhân kinh doanh LPG phải tổ chức kiểm tra định kỳ cơ sở kinh doanh LPG thuộc mình quản lý. Nghị định cũng nêu chi tiết về quyền và nghĩa vụ của thương nhân xuất nhập khẩu LPG, sản xuất, chế biến LPG và phân phối LPG cấp I…

Hiệp hội Gas Việt Nam vừa làm việc với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về tình hình thực hiện Nghị định 107 của các doanh nghiệp kinh doanh gas. Trên cơ sở đó, cơ quan có chức năng sẽ chấn chỉnh lại những cơ sở gas không đảm bảo điều kiện kinh doanh gas, đặc biệt là hoạt động thu gom vỏ bình gas chính hãng rồi tự chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ số cân.

Từ cuối tháng 11/2011 đến Tết Nguyên đán, Hiệp hội Gas và Cục Quản lý thị trường sẽ thực hiện các đợt kiểm tra tại một số cơ sở kinh doanh gas ở ba miền Bắc - Trung – Nam về việc tuân thủ Nghị định 107. Được biết, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ Nghị định xử phạt hành chính trong kinh doanh gas. Đây sẽ là cơ sở pháp lý đầy đủ với chế tài đủ mạnh xử phạt những cửa hàng gas sai phạm.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN