Theo “Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh” (LTQD) đã được Chính phủ phê duyệt thì LTQD sẽ phải bàn giao khoảng 1,1 triệu ha đất rừng cho địa phương nhưng đến hết năm 2010 mới bàn giao được 490 nghìn ha, còn gần 600 nghìn ha đất rừng vẫn chưa giao cho địa phương. Hệ quả là, người dân thiếu đất rừng để sản xuất, trong khi đó còn hàng trăm ngàn ha đất rừng chưa được sử dụng hiệu quả.
Dân thiếu đất sản xuất giữa rừng hoang
Theo khảo sát của Viện Tư vấn phát triển (CODE) đến hết năm 2011, vẫn còn hơn 132.000 ha đất rừng thuộc diện quản lý của lâm trường quốc doanh bị hoang hóa, chưa sử dụng. Trong khi người dân dựa vào đất rừng để mưu sinh thì đang bị thiếu đất sản xuất hoặc chưa được tiếp cận quyền quản lý, sử dụng rừng cũng như tham gia quản lý, bảo vệ rừng.
Đất rừng – Nhập nhằng giữa LTQD và người dân
Ông Phạm Quang Tú, Phó viện Trưởng Viện CODE đánh giá sau 8 năm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp LTQD nhằm thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. Việc thực hiện mới chỉ ở dạng “bình cũ, rượu mới”, tức là mới đổi tên các LTQD thành các ban quản lý rừng hoặc công ty lâm nghiệp mà thôi. Trong khi đó, việc quan trọng nhất là rà soát lại diện tích đất rừng và thu hồi một phần trả về cho địa phương để giao cho người dân, các thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh vẫn còn chậm.
Một gia đình ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) khai thác rừng keo lá tràm được trồng để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy trong tỉnh. Ảnh: Thế Lập - TTXVN |
Theo thống kê hiện nay, LTQD quản lý khoảng 40% diện tích đất rừng ở Việt Nam, đến năm 2010, các LTQD mới giao về cho địa phương khoảng 490 nghìn ha, chiếm 44% diện tích dự kiến trả cho địa phương. Số diện tích này còn quá ít, chưa khắc phục được tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, đặc biệt ở các vùng đông dân cư, đất sản xuất nông nghiệp hạn chế. Còn với quỹ đất địa phương đã thu hồi của LTQD, phần lớn chưa tổ chức giao lại cho các đối tượng có nhu cầu, tiến trình bàn giao của LTQD cho địa phương mới chỉ thực hiện trên giấy tờ, sổ sách, chưa rà soát trên thực địa. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của CODE, hết năm 2011 còn 132 nghìn ha đất rừng thuộc quản lý của LTQD còn bị bỏ hoang hóa, chưa sử dụng.
Theo đánh giá chung của Bộ NN & PTNT, rừng tự nhiên giao cho lâm trường quản lý, sử dụng sau một số năm đều suy giảm về diện tích và trữ lượng. Do công tác quản lý yếu, dẫn đến tình trạng tài nguyên rừng do LTQD quản lý bị khai thác, chặt phá rừng với mức độ lớn, trung bình mỗi năm mất khoảng 26 nghìn ha trong giai đoạn 2006 – 2010 mà chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Bên cạnh đó, kết quả sản xuất kinh doanh của các lâm trường cho thấy có khoảng 42,6% lâm trường không có lãi hoặc thua lỗ.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra diện tích rừng trồng của một hộ tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN |
Cụ thể như tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), sau khi rà soát diện tích đất đai do các LTQD, đơn vị nhà nước quản lý chiếm tới 91,5%. Số diện tích còn lại chiếm 8,5% giao cho hộ dân và UBND các xã quản lý. Như vậy, bình quân mỗi cán bộ công nhân của các lâm trường và BQL rừng phòng hộ ở đây quản lý và sử dụng hơn 533 ha. Với số lượng nhân lực ít và quản lý diện tích lớn nên rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Theo báo cáo xã hội huyện Quảng Ninh, riêng năm 2011 có tới 85 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu hơn 171 m3 gỗ.
Thừa nhận những vấn đề trên, ông Lê Văn Bách, Ban chính sách về các tổ chức quản lý rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi các LTQD còn lúng túng, hình thức và còn nhiều hạn chế. Vốn đầu tư ít, nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu khiến các đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó, quá trình quy hoạch, rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền nên còn xảy ra tình trạng chồng chéo quản lý đất giữa người dân và các LTQD. Tình trạng mất cân đối dẫn đến người dân lấn đất lâm nghiệp để sản xuất”.
Dân lấn chiếm vì thiếu đất sản xuất
Tại huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện chiếm 43,7% tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện. Trong đó, hai đơn vị là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc và BQL rừng đặc dụng Hữu Liên được cấp quyền sử dụng đất rừng và nắm giữ đa số đất rừng trong toàn huyện. Diện tích đất lâm nghiệp được giao cho hộ gia đình để sử dụng là 25,27%, bình quân mỗi hộ được nhận 0,32 ha, có xã như Minh Sơn chỉ có 0,12 ha/hộ. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp tại Hữu Lũng chỉ chiếm 7% so với diện tích đất tự nhiên, như vậy là quá ít so với nhu cầu canh tác của nhân dân. Do vậy, hầu hết người dân ở đây đều làm nghề rừng.
Sự mất cân đối trên đã dẫn đến tình trạng người dân “xâm canh”, “lấn chiếm” đất rừng của các đơn bị LTQD quản lý. Ví dụ như diện tích đất mà Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc thực sự quản lý chỉ chiếm gần 20% diện tích được giao, còn hơn 56 % diện tích đất còn lại chủ yếu do người dân xâm lấn đất canh tác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công ty không có năng lực kiểm soát và quản lý diện tích đất lâm nghiệp của công ty. Tính đến năm 2011, có hơn 60 ha đất rừng đang trong tình trạng tranh chấp giữa công ty và người dân trên địa bàn huyện.
Tại huyện Tương Dương, Nghệ An, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của Lâm trường Tương Dương đóng tại xã Tam Thái. Tuy nhiên do lâm trường thiếu nguồn lực, một số diện tích đất trống chưa được sử dụng, ranh giới phân định không rõ ràng, người dân thiếu đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã xâm lấn phần đất này của Lâm trường để trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp.
GS.TS Lê Văn Khoa , Viện trưởng viện tư vấn phát triển CODE:
Việc rà soát đất đai của LTQD cần hài hòa lợi ích các bên
Cần xây dựng đề án và tổ chức thực hiện rà soát đất đai của LTQD, trong đó chú trọng 3 vấn đề cơ bản: Thực hiện rà soát đất đai của LTQD trên cơ sở giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp trên thực địa; Đảm bảo nhu cầu sử dụng đất rừng tối thiểu để đảm bảo sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương, hài hòa lợi ích các bên; Đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là người dân địa phương trong quá trình rà soát.
Ông Lê Văn Bách, Ban chính sách về các tổ chức quản lý rừng, Tổng cục lâm nghiệp:
Công ty lâm nghiệp nhà nước là đại diện sở hữu cần thiết
Rừng và đất lâm nghiệp là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của đời sống xã hội, đặc biệt là vốn rừng tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, đặt trong mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn thì tổ chức kinh tế về lâm nghiệp do Nhà nước lập ra và là đại diện chủ sở hữu là một sự cần thiết. Có thể thành lập công ty lâm nghiệp theo địa giới hành chính tỉnh, trực thuộc công ty lâm nghiệp có các phân trường theo địa giới hành chính huyện. Mỗi phân trường có các tiểu khu theo địa giới hành chính xã, theo hình thức công ty mẹ - công ty con của Luật Doanh nghiệp.
Ông Phạm Mậu Tài, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (RDPR):
Đảm bảo diện tích đủ rộng để người dân đầu tư sản xuất
Việc rà soát phải có sự tham gia của người dân. Bóc tách các diện tích đất phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân, đặc biệt với người dân tộc thiểu số. Thu hồi các diện tích đất rừng của các lâm trường gần với khu dân cư để giao lại cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Đảm bảo các tiêu chí phù hợp, đảm bảo diện tích đủ rộng để người dân đầu tư sản xuất, đất phải có chất lượng để sản xuất. Một số diện tích rừng có khả năng phòng hộ, đầu nguồn nước, gần khu dân cư cần giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng theo mô hình rừng cộng đồng. |
Ngoài ra, tại nhiều nơi còn diễn ra tình trạng chồng chéo quản lý đất rừng giữa LTQD và người dân. Chẳng hạn như, tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tình trạng này gây khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất. Theo ông Trần Văn Đằng, hạt kiểm lâm huyện Si Ma Cai thì tình trạng quản lý chồng chéo đất rừng đã diễn ra nhiều năm nay. Tại thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui hiện đang bị chồng chéo 17 ha đất rừng giữa hộ gia đình với BQL rừng phòng hộ.
Cũng theo nghiên cứu của Viện CODE, đất rừng sau rà soát của LTQD dự kiến thu hồi giao lại cho địa phương nhiều nơi không phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất của người dân địa phương. Như một số hộ tại Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) giao đất rừng quá xa nên từ ngày nhận đất đến nay có hộ chưa đến thăm lại lần nào nên không bảo vệ được rừng. Hay trường hợp như xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) sau khi thu hồi đất của lâm trường, UBND xã tổ chức giao lại cho người dân nhưng họ không nhận đất mặc dù thiếu đất canh tác, một trong những nguyên nhân chính để người dân không nhận đất vì vị trí khu vực đất được giao quá xa so với khu dân cư.
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Văn Bách, Ban chính sách về các tổ chức quản lý rừng, Tổng cục Lâm nghiệp nói: “Phần lớn các công ty lâm nghiệp chưa được đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giao. Chưa có ranh giới, cột mốc ngoài thực địa giữa đất sản xuất của các hộ dân giáp ranh với đất lâm trường dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ở một số địa phương còn tùy tiện dẫn đến chồng chéo vào đất của các công ty lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý”.
Lợi ích cần gắn liền với trách nhiệm
“Để đảm bảo thực thi thuận lợi dễ dàng các nghị định quản lý đất rừng trong thời điểm hiện nay, cần tổ chức, thực hiện lại từ đầu việc rà soát, đánh giá đất của LTQD trên cơ sở đảm bảo khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân địa phương, đảm bảo đất rừng cho không gian sinh tồn, không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số. Lợi ích phải gắn liền với trách nhiệm”, đó là nhận định của ông Phạm Quang Tú, Phó viện Trưởng Viện CODE về giải quyết những vấn đề mâu thuẫn trong quản lý đất lâm nghiệp hiện nay.
Xuất phát từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Đại học Vinh cho rằng, hiện nay một trong những nguyên nhân làm cho tài nguyên rừng tại địa phương bị suy giảm là do tình trạng đất rừng chưa có chủ thực sự. Vì vậy nên thu hồi một phần rừng tự nhiên từ lâm trường để giao lại cho nhóm hộ quản lý và sử dụng. Rà soát, phân bổ lại những khu vực chồng lấn, chồng chéo về quyền quản lý đất rừng tại các địa phương. Để làm tốt việc phân bổ đất cần có sự đồng thuận, dân cùng chính quyền và LTQD cùng bàn bạc, giao đất giao rừng đúng người, đảm bảo tổ chức sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị và người dân địa phương để chống lại các hành vi vi phạm, khai thác, lấn chiếm tài nguyên rừng. Ngoài ra, cần tuyên truyền vận động nhằm thay đổi thái độ, nhận thức của người dân để họ có hành vi, hành động đúng đắn với rừng. Bằng các hình thức tuyên truyền cụ thể giúp người dân hiểu đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của rừng, về tình trạng suy thoái tài nguyên, trách nhiệm, quyền hạn của người dân đối với rừng.
Một trong những giải pháp chủ chốt là tổ chức quản lý và nguồn nhân lực, ông Lê Văn Bách nhấn mạnh: “Cần xây dựng nội dung, chương trình và tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về kỹ năng quản lý doanh nghiệp lâm nghiệp cho đội ngũ quản lý. Cùng với đó phải có chế độ tiền lương, thâm niên nghề nghiệp để thu hút nguồn nhân lực tham gia bảo vệ và phát triển rừng để tài nguyên rừng không bị lãng phí”.
Thu Trang