Bài học từ quản lý đất rừng ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế)

Nam Đông là một huyện nghèo miền núi, nằm ở phía tây nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 80% tổng diện tích đất tự nhiên. Đây là một trong số ít những nơi thực hiện thành công nghị định 200 của Chính phủ về chuyển đổi các LTQD, đem lại thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.


Trước đây, trên địa bàn huyện Nam Đông có hai LTQD là lâm trường Nam Đông và lâm trường Khe Tre. Cả hai đều có nhiệm vụ là quản lý, phát triển vốn rừng và khai thác gỗ, lâm sản. Nắm bắt từ tình hình thực tế, huyện Nam Đông đã sáp nhập hai lâm trường thành BQL rừng phòng hộ Nam Đông với tổng diện tích hơn 40.000 ha. Trong đó, có 15.295,5 ha giao cho BQL rừng phòng hộ Nam Đông, diện tích còn lại bàn giao cho huyện Nam Đông, vườn quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn Sơn La quản lý (Các đơn vị này được giao quản lý phần lớn diện tích đất có rừng tự nhiên). Diện tích đất nông nghiệp và đất khác được ưu tiên giao lại cho UBND huyện Nam Đông để giao cho người dân sản xuất.

Toàn cảnh khu chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại huyện Phú Lộc .
Ảnh: Quốc Việt - TTXVN


Sau 6 năm sáp nhập, dưới sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, diện tích rừng giàu đã tăng lên hơn 400 ha, đất có rừng trồng tăng lên gần 150 ha, độ che phủ tăng 0,8% so với trước. Cùng với đó, mức lương thu nhập bình quân của công nhân tăng lên 550 nghìn đồng/ tháng. Đánh giá về điều này, ông Đậu Trọng Sen, thành viên BQL rừng phòng hộ Nam Đông cho biết: “Trước đây, khi chưa sáp nhập thì lâm trường phải quản lý diện tích lớn, nguồn thu nhập không ổn định, kinh doanh khó khăn. Nay diện tích quản lý giảm, nguồn thu ổn định hơn trước nên đời sống anh em có khấm khá hơn”.


Cùng với đó, diện tích đất rừng từ BQL rừng phòng hộ chuyển cho UBND huyện Nam Đông quản lý đã được giao lại cho UBND các xã, bàn giao lại cho các hộ trong xã quản lý và sử dụng. Đến năm 2011, tỷ lệ đất đã sử dụng của người dân tăng lên 87,4%, chủ yếu là trồng keo, cây cao su và trồng cây hoa màu. Người dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất. Nhờ đó doanh thu của một ha rừng trung bình là hơn 40 triệu, tăng 3,78 lần so với trước.


Theo đánh giá chung, cộng đồng dân cư tham gia nhận rừng cùng BQL rừng phòng hộ đều cho rằng rừng tăng trưởng tốt hơn. Hơn 90% người dân đã khẳng định nhận thức của họ về bảo vệ tài nguyên rừng đã tốt hơn trước. Bởi họ đã là những người trực tiếp quản lý và canh tác trên đất rừng nên có trách nhiệm bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư cũng đã xây dựng hương ước, quy định cụ thể việc khai thác lâm sản ngoài gỗ, vì vậy việc khai thác đã giảm đi đáng kể.


Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của mô hình quản lý này, anh Nguyễn Trường Thi, cán bộ Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung cho biết: “Yếu tố quyết định thành công là sự nhất trí, đồng thuận giữa các đơn vị thực hiện. Chúng tôi tích cự nghe ý kiến của người dân, cùng nhau thảo luận để đưa ra những chính sách, quyết định đúng đắn. Tiến hành giao đất lâm trường hoạt động không hiệu quả hoặc gần khu dân cư cho người dân. Đảm bảo lợi ích các bên liên quan. Nhờ vậy mà BQL rừng phòng hộ giảm được trách nhiệm tài chính, thu hẹp diện tích rừng cần quản lý và bảo vệ nên đạt hiệu quả cao hơn. Còn người dân được đáp ứng nhu cầu về đất sử dụng nên giải quyết được mâu thuẫn”.


Như vậy, việc bàn giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng để quản lý và sử dụng đã giúp người dân nâng cao được nhận thức về quản lý tài nguyên, tăng cường hoạt động giám sát, bảo vệ và làm giàu rừng. Những kết quả ban đầu cho thấy rừng được giao cho cộng đồng, do chính những người dân quản lý và sử dụng đã đạt được kết quả đáng kể.


Để mô hình này phát huy kết quả hơn nữa, hiện nay UBND tỉnh, huyện và các phòng, ban liên quan tiếp tục chỉ đạo, rà soát và thu hồi những diện tích đất rừng lâm trường đang quản lý không hiệu quả, gần với khu dân cư, thuận lợi cho sản xuất của người dân giao lại cho các hộ và cộng đồng quản lý, sử dụng. Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, theo dõi những diện tích này để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giao đất, giao rừng. Giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp giữa người dân với BQL rừng phòng hộ trên địa bàn.


Thu Trang

Để đất rừng không bị lãng phí
Để đất rừng không bị lãng phí

Theo “Đề án sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh” đã được Chính phủ phê duyệt thì LTQD sẽ phải bàn giao khoảng 1,1 triệu ha đất rừng cho địa phương nhưng đến hết năm 2010 mới bàn giao được 490 nghìn ha...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN