Để dân đồng thuận cao với thuế môi trường

Để Luật Thuế bảo vệ môi trường được người dân đồng thuận thì nó phải thể hiện sự minh bạch và cân bằng trong thực hiện. Theo đó, tiền thuế bảo vệ môi trường phải được đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường và được tính toán theo hướng tăng loại thuế này thì giảm loại thuế khác… Đó cũng là kinh nghiệm của các nước, được ông Chas Roy Chowdhury, một chuyên gia Anh đưa ra trong hội thảo kinh nghiệm thuế môi trường do Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức giữa tháng 7 này.

Theo nhận định của các chuyên gia môi trường thì biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5- 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là thách thức cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Do vậy, Luật Thuế bảo vệ môi trường của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Theo đó, 8 nhóm hàng hóa sẽ là đối tượng chịu thuế gồm: Xăng, dầu, mỡ, nhờn; Than đá; Dung dịch HCFC; Túi ni lông; Thuốc diệt cỏ (loại hạn chế sử dụng); Thuốc trừ mối (hạn chế sử dụng); Thuốc bảo quản lâm sản (hạn chế sử dụng); Thuốc khử trùng kho (hạn chế sử dụng). Còn nhóm chất thải rắn và khai thác khoáng sản vẫn tiếp tục thực hiện các khoản thu phí về bảo vệ môi trường. Riêng phí xăng, dầu theo quy định tại Pháp lệnh về phí và lệ phí sẽ hết hiệu lực thi hành và chuyển sang thu thuế bảo vệ môi trường.

Xăng dầu là nhóm hàng hóa phải chịu thuế môi trường.


Nhiều nước trên thế giới, mức chịu thuế ở từng mặt hàng được điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình lạm phát, bám sát thực tế để giảm bớt áp lực giá cho người dân vì thuế bảo vệ môi trường được cơ cấu vào giá thành. Còn tại Việt Nam, điều đó được thể hiện ở việc mức thuế tuyệt đối được quy định theo khung, từ mức tối thiểu đến mức tối đa.

Đơn cử như thuế đánh trên túi nilon từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, thuế với xăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít… Khung thuế ở từng mặt hàng khá rộng và sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội ở từng thời kỳ để ban hành khung chuẩn phù hợp.

Vấn đề khó nhất là làm sao tạo được sự đồng thuận của người dân khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Ngay tại nhiều nước trên thế giới, thậm chí cả các nước phát triển như Anh, Mỹ, thuế bảo vệ môi trường vẫn khó nhận được sự đồng thuận của người dân. Không ai dễ chịu với giá xăng sẽ tăng do doanh nghiệp phải chi thêm 4.000đ/lít khi áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường thay vì quy định trong phí xăng dầu chỉ là 1.000 đồng/lit. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng mục tiêu của việc đánh thuế là giúp người ta cân nhắc sử dụng các loại hàng hóa tác động đến môi trường, từ đó dần thay đổi hành vi sử dụng.

Ông Chas Roy Chowdhury cho rằng, chính sách thuế môi trường cần phải minh bạch, rõ ràng, đáng tin cậy và nhất quán, nhằm đạt được mục tiêu là giảm thiểu nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cũng như giúp công chúng và doanh nghiệp hiểu rõ thuế môi trường không phải mang lại nguồn thu cho Chính phủ mà nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Còn theo bà Lê Thị Hồng Len, về bản chất, thuế môi trường được xem là một công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thực hiện theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền với mục đích thay đổi hành vi của con người theo hướng có lợi cho môi trường.

Ngoài ra, cần phải có những chế tài xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm luật. Và quan trọng hơn là từng bước hướng con người quan tâm bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng cũng như báo chí cần tuyên truyền, giải thích để người dân, doanh nghiệp hiểu để đi đến sự đồng thuận khi luật có hiệu lực.

Hiếu Dũng
 
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN