ĐBSCL Chung sống bền vững cùng lũ - Bài 2: Ổn định cuộc sống cho người dân

“Năm nay cuối tháng 6 lũ đã bắt đầu đổ về với cường suất nhanh và sau đó lên chậm lại. Những ngày cuối tháng 8, khu vực ĐBSCL liên tiếp xuất hiện nhiều cơn mưa lớn đã góp phần nâng cường suất của mực nước lên rất mạnh. Mực nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh hiện ở mức cao hơn cùng kỳ từ 0,39 – 1,91 m nhưng vẫn thấp hơn đỉnh lũ của năm 2000 từ 0,47 – 1,76m”, ông Lê Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Bộ đội đồn biên phòng 893 huyện Tân Hưng (Long An) bơm nước chống ngập úng đồng ruộng giúp dân.


Đối mặt khó khăn

Báo cáo của Ủy ban Phòng chống lụt bão huyện Tân Hưng (Long An), 2 tháng qua khi lũ về trên địa bàn huyện đã có 28 căn nhà bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái, 1 cây cầu và 1 điểm trường bị hư hại nặng… Do nước lũ lên nhanh người dân không kịp trở tay đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Số diện tích mất trắng hơn 40 ha, thu hoạch chạy lũ gần 100 ha… gây thiệt hại hàng tỷ đồng. “Tuy nhiên điều chúng tôi đang lo lắng nhất là số lúa vụ 3 (thu đông) diện tích khoảng hơn 3.000 ha người dân đã bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp vừa gieo sạ dễ mất trắng nếu lũ lên cao. Đây là năm đầu tiên bà con tự phát làm do thấy lúa vụ hè thu có giá”, ông Hồ Văn Dân, Chủ tịch UBND huyện lo lắng.

Vụ thu đông này, toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ khoảng 600.000 ha lúa, tăng 100.000 ha so với cùng kỳ. Khác với huyện Tân Hưng, tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang năm nay ngành nông nghiệp đã có kế hoạch cụ thể tăng diện tích sản xuất vụ 3. Hiện toàn tỉnh An Giang đã xuống giống gần 100.000 ha, đạt hơn 75% kế hoạch. Riêng tỉnh Đồng Tháp đã cơ bản xuống giống gần 100.000 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Chỉ tính tại tỉnh An Giang, theo số liệu cập nhật sơ bộ của ngành nông nghiệp do mưa to nhiều đợt liên tục đúng vào thời điểm xuống giống đã làm cho nhiều vùng trên địa bàn bị ngập úng, phải bơm tiêu chống úng liên tục cũng như tốn thêm chi phí cấy dậm, sạ lại và mất giống với tổng diện tích hơn 70.000 ha, trong đó gần 14.000 ha phải sạ lại; ngập úng, bơm tiêu hơn 52.000 ha…

“Năm nay lũ về chúng tôi tiếp tục đối phó với một nỗi lo không mới nhưng đã gay gắt hơn nhiều. Đó là tình trạng sạt lở ở những tuyến sông, kênh… vừa gây biến dạng dòng chảy vừa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông Hùng nói thêm. Khảo sát của tỉnh Đồng Tháp, hơn 1 tháng qua đã có gần 20 vụ sạt lở, gây thiệt hại hàng chục ngàn m2 đất, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của hàng chục hộ dân. Đơn cử các vụ điển hình như ấp Tân Phú A, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình chỉ trong tháng 8 liên tiếp xảy ra 8 lần sạt lở; ấp 1, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự chiều dài sạt lở gần 100 m, sâu vào bờ 25 m ngay khu dân cư gây nguy hiểm cho 25 căn nhà. Tại tỉnh An Giang tình hình cũng không khả quan hơn. Chỉ tính từ 28/8 đến nay đã có gần 130 căn nhà phải di dời do sạt lở. Nhiều địa điểm trên khu vực sông Hậu đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở đã làm cho công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo cuộc sống và tính mạng người dân vùng lũ của tỉnh thêm phức tạp hơn.

Nỗ lực giảm thiệt hại cho dân

Chuẩn bị đối phó với tình hình lũ lụt, năm nay tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng, gia cố đê bao, hệ thống bơm thoát nước nhằm chủ động bảo vệ diện tích lúa thu đông. Ông Nguyễn Văn Mẩn, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho hay: “Năm nay lần đầu tiên huyện gieo sạ hơn 4.000 ha lúa vụ 3; ngay từ đầu năm huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cấp các tuyến đê bao vượt lũ, đảm bảo đạt cao trình từ 5m trở lên. Hiện hầu hết diện tích lúa của bà con đã cơ bản an toàn khi lũ về nhưng huyện vẫn duy trì chế độ trực 24/24 giờ sẵn sàng có các biện pháp ứng cứu khi tình hình xấu nhất xảy ra. Riêng 4 xã có nguy cơ sạt lở nhiều nhất, huyện đã lập danh sách thuyết phục di dời gần 800 hộ trong vùng vành đai”.

Tại huyện An Phú (An Giang), theo ông Nguyễn Văn Khênh – Phó Chủ tịch UBND huyện, ưu tiên hàng đầu của huyện là không để dân đói, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là an toàn cho trẻ em trong các ngày mưa lũ. Do tình hình thực tế của huyện, mùa lũ có rất nhiều người dân thường tranh thủ bơi xuồng đánh bắt hải sản, hái rau…nên từ đầu mùa lũ đến nay đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra do chủ quan. Hiện huyện đã xây dựng hoàn chỉnh những điểm giữ trẻ tại các khu vực trọng yếu, đảm bảo mỗi điểm có 2 cô giáo được đào tạo các kỹ năng cơ bản giúp phụ huynh yên tâm sản xuất; huy động ghe xuồng trong dân hỗ trợ thêm tiền xăng tổ chức đưa rước học sinh đến trường ở những điểm ngập sâu; thành lập các đội thanh niên xung kích với nhiệm vụ tham gia tu bổ công trình chống lũ, di dời, cứu nạn.

Ông Đỗ Vũ Hùng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, nhằm bảo vệ diện tích lúa vụ 3 và bảo vệ tính mạng người dân các vùng sạt lở, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra đi xuống các huyện trọng điểm khảo sát thực tế những vùng đê bao xung yếu như Vĩnh Bình, Vĩnh An, An Hòa… từ đó có biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia cố các đoạn thấp, thi công thêm những đoạn bờ bao bổ sung, ổn định giảm được dòng chảy”. Ngoài các khu vực đã đảm bảo an toàn về cao trình đê, trạm bơm điện để bơm tiêu chống úng, nhiều tuyến đê thuộc các huyện Châu Phú, Châu Thành, Tri Tô cũng sẽ phải tiếp tục gia cố thêm, nâng cấp hệ thống trạm bơm điện để đảm bảo hoạt động tốt phục vụ cho bơm tiêu chống úng. Trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trên. Ngành điện lực đảm bảo thường xuyên có điện để các trạm bơm hoạt động kịp thời”, ông Hùng nói thêm.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa

ĐBSCL Chung sống bền vững cùng lũ - Bài 1: Đón mùa nước nổi
ĐBSCL Chung sống bền vững cùng lũ - Bài 1: Đón mùa nước nổi

Sau nhiều năm gần như không có lũ hoặc lũ thấp, năm nay tại các tỉnh ĐBSCL lũ về sớm và lên nhanh. Trải dài từ các huyện biên giới như An Phú, Hồng Ngự… cho đến Tân Hưng một màu nước trắng đục phù sa đang đem lại cho người dân nơi đây nhiều hy vọng và cả lo toan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN