Việc sửa đổi này cũng đặt ra việc phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Nghị định và dự thảo Thông tư đã được xây dựng, điều chỉnh một số quy định hiện hành và bổ sung một số quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chính sách về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon, bảo vệ tầng ozone.
Dự thảo Nghị định tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Quy định về tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính, phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường carbon; quy định phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy định chi tiết về tổ chức thị trường carbon, quản lý tín chỉ carbon trong nước, trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước; quy định về trao đổi tín chỉ carbon quốc tế theo quy định của Thỏa thuận Paris; cuối cùng là một số quy định về bảo vệ tầng ozone.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải toàn văn dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Bộ cũng đã gửi công văn lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành.
Theo ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp Chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc kiểm kê khí nhà kính và triển khai thị trường carbon. Nhưng các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cũng cần lưu ý đến đối tượng doanh nghiệp trong nước xem họ có thể đáp ứng kịp các quy định theo đúng lộ trình đề ra theo các quy định mới hay không. Về phân bổ hạn ngạch phát thải, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cần làm rõ hơn quy định về cách thức phân bổ, đặc biệt trong việc lựa chọn hệ số phát thải hay phương pháp tính toán nào...
Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho đơn vị thẩm định, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, cần làm rõ thêm phạm trù các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính có phải cơ sở nằm trong danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hay không.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn thuộc Ban Khoa học công nghệ và môi trường kiến nghị có thể có cơ chế tạo thuận lợi cho phía nhiệt điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo nhiệm vụ cung ứng điện, ví dụ trong mùa khô các năm tới...
Đại diện Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cơ khí. Đại học Bách Khoa cho rằng, các quy định mới sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng thị trường carbon, giảm phát thải, bổ sung nguồn lực chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh, giảm phát thải.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và được giao nhiệm vụ thẩm định, bà Lê Thị Mai Hoa, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mong muốn Nghị định mới sẽ hướng dẫn rõ hơn về các nội dung thẩm định, quy trình và việc hoạt động, cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định, sử dụng ngân sách nhà nước hay tích hợp vào phí, lệ phí... Việc xây dựng thủ tục hành chính cho việc thẩm định cũng cần có thêm hướng dẫn cụ thể và căn cứ, cơ sở triển khai trong thực tiễn.