Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu
Theo Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), thời gian gần đây, lợi dụng cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong xuất, nhập khẩu hàng hóa; tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới của cả nước, nhất là trên tuyến biên giới biển tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Đặc biệt nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy, buôn bán hàng hóa sản xuất từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác Việt Nam, để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến đường biển, cảng biển.
Trọng tâm tại thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình… hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như: Xăng, dầu, than, pháo nổ, thuốc lá điếu, ma túy diễn biến phức tạp, nhất là tại vùng biển Đông Bắc. Đặc biệt tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng xăng, dầu có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và số lượng.
Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng chính sách hàng tạm nhập tái xuất, trung chuyển để thẩm lậu hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa, trong đó có các danh mục cấm như các cá thể tê tê, vẩy tê tê, ngà voi… có chiều hướng gia tăng.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo đề án “Tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và nhân dân vùng BGHĐ” đã chỉ đạo các đơn vị quân đội tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân với nhiều hình thức như: Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa, cấp phát tờ rơi cho ngư dân trước khi tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản;; tổ chức tuyên truyền được 5.766 buổi/371.389 lượt người nghe.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết: Các đơn vị BĐBP, công an, hải quan, cảnh sát biển, quản lý thị trường đã triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó tập trung đổi mới hình thức, phương pháp phối hợp trong công tác tuyên truyền, PBGDPL về những quy định của Nhà nước và những kiến thức cơ bản trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho nhân dân trên địa bàn.
Ngoài ra, các đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tập trung công tác tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới, vùng ven biển tích cực tham gia tố giác, cung cấp thông tin đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không tiếp tay cho hoạt động trái pháp luật. Hàng năm đã phối hợp tuyên truyền được trên 1.200 buổi/45.000 người tham gia.
Tính từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách Nhà nước 6.165 tỷ 836 triệu đồng); khởi tố 1.311 vụ (giảm 47% so với cùng kỳ năm 2018); với 1.546 đối tượng (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2018).
Các lực lượng đã tham mưu địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình tự quản “tổ tàu thuyền an toàn”, “bến bãi an toàn”, “cụm an ninh liên kết, “cụm đầm tự quản”. Phối hợp xây dựng 3.045 tổ tàu thuyền an toàn/22.408 tàu/105.983 người; 539 bến bãi tự quản/21.168 tàu/79.952 người và thành lập 119 tổ hợp tác xã đoàn kết trên biển/829 tàu/4.861 người.
Đề cao công tác tuyên truyền
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP khẳng định, thời gian qua, các đơn vị quân đội như Bộ Tư lệnh các Quân khu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Cảnh sát biển và các đơn vị Công an, Hải quan, Kiểm ngư đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP và chính quyền địa phương khu vực biên giới đã có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo, như mở: Chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”, “Câu chuyện pháp luật” và Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Bộ Tư lệnh Hải quân; Chuyên mục “Cảnh báo cướp biển đối với doanh nghiệp vận tải biển và Thuyền trưởng tàu Việt Nam”, “Sổ tay người đi biển”, “Biển đảo Việt Nam”, “Những việc không được làm”, “Những điều ngư dân cần biết” và Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Chương trình “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án” của Bộ Tư lệnh BĐBP…
Ngoài ra các đơn vị của các quân khu cũng đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình đa dạng như Chương trình “Gương sáng thanh niên chấp hành pháp luật”, “Đồng hành cùng phát triển”, “Cảm hóa và giáo dục pháp luật” và Mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân”… của một số địa phương, đơn vị.
Tại các xã, phường, thị trấn biên giới biển, đảo hiện đã thành lập được Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật với sự tham gia của cán bộ đồn Biên phòng, Kiểm ngư, Công an xã, cán bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Mỗi tuần triển khai ít nhất 1 buổi (vào ngày phiên chợ, tại các bãi ngang, các cảng cá khi ngư dân đi khai thác làm ăn trên biển về...) phục vụ nhu cầu tư vấn, giải đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Một số xã đã chủ động đề xuất với Tòa án nhân dân cấp huyện đưa các vụ án điển hình xét xử lưu động tại địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân biên giới biển, đảo; ngoài ra các xã, phường, thị trấn biên giới biển, đảo đã phối hợp với các đồn Biên phòng tập trung xây dựng ngăn sách, tủ sách pháp luật tại địa phương đa dạng về thể loại, phục vụ kịp thời nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân và bà con ngư dân đi biển... nhằm tuyên truyền đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên biển.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng cho rằng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện; tình hình các tuyến BGHĐ nước ta vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp; nhất là tình hình chủ quyền biên giới, biển đảo, hoạt động của các loại đối tượng tiếp tục lợi dụng chính sách thông thoáng mở cửa hội nhập của Nhà nước để tiến hành các hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vận chuyển ma tuý với quy mô ngày càng lớn, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi.
Một số ngư dân còn coi thường pháp luật, vì lợi ích trước mắt mà cố tình tiếp tay cho bọn tội phạm trên biển. Để góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ trong tình hình mới, các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường cần phát huy hiệu quả của Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng BGHĐ”, vai trò của MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang, như: Công an, Quân đội, Biên phòng trong thực hiện công tác PBGDPL.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực biên giới. Phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của hội đồng PBGDPL các cấp trong tham mưu và tổ chức thực hiện, đảm bảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời đến cán bộ, nhân dân khu vực BGHĐ.
Cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã, phường, thị trấn biên giới chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ với cơ quan tư pháp, các đơn vị biên phòng, quân đội, công an và các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, thu hút được nhiều đối tượng cùng tham gia. Ngoài ra lồng ghép việc tuyên truyền PBGDPL tại các buổi sinh hoạt cộng đồng; xây dựng và phát huy phương châm mỗi người dân là một tuyên truyền viên pháp luật.