Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự tích cực hưởng ứng thực hiện của cộng đồng, người dân, công tác giảm nghèo qua các năm đã đạt được những kết quả tích cực. Một số chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững trong cả nước.
Ưu tiên dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo
Trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo đã được các cấp, các ngành nỗ lực triển khai thực hiện, trở thành nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm tính hệ thống và ngày càng đồng bộ hơn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 76/2014/QH13, Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg xác định các mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2016-2020, trong đó có các mục tiêu cơ bản đến năm 2020. Đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm); phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Mặc dù còn khó khăn, Quốc hội, Chính phủ luôn dành ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo. Theo đó, Quốc hội đã đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng, tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo, thông qua 5 dự án: Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án truyền thông, thông tin; Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá, nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, cải thiện đời sống cho người dân vùng khó khăn. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên, như chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh, thông tin, hỗ trợ tín dụng, pháp lý… được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hoàn thiện, bảo đảm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội, từng bước cải thiện, ổn định cuộc sống. Các chính sách trợ giúp xã hội đột xuất được ban hành, hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro, thiên tai, lũ lụt… sớm ổn định cuộc sống, hạn chế rơi vào tình trạng nghèo hoặc tái nghèo.
Thông qua sự vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội cùng quan tâm hướng tới người nghèo. Từ khi thực hiện ngày 17/10/2000 đến hết tháng 8/2018, thông qua sự vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng thông qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương; ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương...
Từ những nguồn lực trên cùng với ngân sách nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được gần 1,5 triệu căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, trong đó năm 2017 xây dựng và sửa chữa được trên 32.000 căn nhà; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất, hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...); giúp đỡ hàng triệu người nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, có điều kiện cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...
Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo, kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 1,59%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 63,26% năm 2015 xuống còn 39,56% vào cuối năm 2017, giảm bình quân 5,43%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.
Cả nước có 8 huyện 30a thoát nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 21 xã thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII đề ra.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận định: "Đánh giá giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cho thấy kết quả đạt được còn hạn chế so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2020. Nhưng qua đó, có thể khẳng định, tác động của các chính sách, chương trình giảm nghèo, nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong những năm qua thực sự có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống dân sinh trên địa bàn các huyện, xã nghèo."
Cần chuyển biến mạnh mẽ hơn
Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đến nay đã thực hiện được hơn nửa chặng đường. Bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả giảm nghèo cũng có những hạn chế nhất định, như tỷ lệ tái nghèo còn ở mức 5,1%/năm; nhiều hộ nghèo mới phát sinh; chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thực sự được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhiều nơi vẫn còn trên 50%, cá biệt còn 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo cả nước.
Chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn đáng kể, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên: chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư của cả nước tăng từ 9,7 lần năm 2014 lên 9,8 lần năm 2016 (thu nhập nhóm 5 so với nhóm 1). Hệ số bất bình đẳng thu nhập (Gini) của cả nước cũng có xu hướng tăng từ 0,43 năm 2014 lên 0,431 năm 2016. Thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 thu nhập bình quân của cả nước.
Ông Ngô Trường Thi chỉ rõ, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Mặc dù Quốc hội đã phê chuẩn tổng nguồn vốn của 5 năm nhưng sau gần 3 năm, tiến độ cấp của ngân sách mới đạt 52% so với tổng vốn. Luật Đầu tư công mới được triển khai, vì vậy việc triển khai phân bổ nguồn vốn ở địa phương và giải ngân còn chậm, chủ yếu vướng quy định về thủ tục và quy trình giải ngân.
Bên cạnh đó, hai năm qua, đất nước ta phải đương đầu với thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nặng nề đến các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung, dẫn đến nhiều hộ mới thoát nghèo lại lâm vào tình cảnh trắng tay, nợ nần, tái nghèo trở lại. Thực trạng đó đòi hỏi công tác giảm nghèo trong thời gian tới cần có những chuyển biến mạnh mẽ hơn, quyết liệt và đồng bộ hơn.
Khơi dậy sự chủ động của người dân và cộng đồng
Trong giai đoạn này, Quốc hội, Chính phủ có chủ trương giảm dần các chính sách hỗ trợ "cho không", khuyến khích sự chủ động của người nghèo, tăng hoạt động cho vay gắn với hoàn trả đối với từng đối tượng trên địa bàn. Đây là chủ trương lớn khơi dậy sự chủ động của người dân và cộng đồng. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, các chính sách "cho không" đã được duy trì quá lâu, dẫn đến ở nhiều nơi, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi, người dân chưa thực sự vào cuộc, vẫn trông chờ Nhà nước hỗ trợ.
"Đây là những hạn chế, tồn tại cần thời gian để tạo được sự chuyển biến và đặc biệt rất cần sự đồng thuận của xã hội, người dân và các cấp chính quyền. Việc đồng thuận này phải thông qua công tác thông tin tuyên truyền" - ông Ngô Trường Thi nói.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện.
Trong đó, 3 nhóm chính sách cần tập trung thực hiện gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Công tác giảm nghèo hướng tới đẩy mạnh phân cấp cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng, người dân theo đúng chủ trương của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu), các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành.
Các bộ, ngành có liên quan cũng tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo và thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi; thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nghiên cứu đề xuất định hướng giảm nghèo bền vững sau năm 2020 trên cơ sở thực hiện Luật Đầu tư công; hoàn thiện phương pháp tiếp cận đo lường "nghèo đa chiều".
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tin tưởng, với sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Đảng, Quốc hội, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội trong việc khai thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, đến năm 2020 cả nước sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững đã đề ra.