Đầu tư 11.277 tỷ đồng xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.


Dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Chủ quản lý sử dụng và Chủ đầu tư dự án thành phần (phần nội dung và hình thức trưng bày); Cty Nikken Sekkei Ltd - Nhật Bản là tư vấn chính, Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP), Cty CP Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), Cty Thăng Long chi nhánh TP.HCM là các tư vấn phụ Việt Nam. 


Phối cảnh Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: baoxaydung.com.vn


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được xây dựng tại ô đất số 07 KĐTM Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng là 10 ha. Công trình này được đầu tư để trở thành một bảo tàng hiện đại, có khoa học công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo; phục vụ nhu cầu thăm quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dậy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày) của công trình văn hóa cấp đặc biệt này là 11.277 tỷ đồng, từ vốn Ngân sách nhà nước. Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội sau khi hoàn thành thực hiện đền bù GPMB và tái định cư sẽ bàn giao 10 ha diện tích đất cho dự án. Theo lộ trình, thời gian thực hiện dự án sẽ bắt đầu từ tháng 11/2012 đến 5/2016; nghiệm thu và bàn giao cho chủ quán lý sử dụng công trình từ tháng 7/2016.

Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia gồm 4 thành phần. Tòa nhà chính, xây dựng trên khu đất khoảng 20.483,63 m2 với diện tích sàn xây dựng gần 90 ngàn m2, chiều cao tối đa 32,5 m, chiều sâu tầng hầm 6,7 m, gồm: kho lưu giữ hiện vật vô cơ và hữu cơ qua các thời kỳ, thời đại; không gian để trưng bày, tái hiện lịch sử, chuyên đề, sưu tập; trung tâm bảo quản và phục chế; khu khám phá sáng tạo; hội trường, hội họp, hội thảo, chiếu phim phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập…


Phần thứ hai là khu tưởng niệm danh nhân có diện tích xây dựng khoảng 1.520 m2, chiều cao sàn sân 9,20 m với cột biểu tượng.


Thành phần thứ ba là khu trưng bày ngoài trời trưng bày những hiện vật lớn; tái tạo không gian lịch sử; không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc; không gian hoạt động văn hóa, trình diễn.


Thành phần cuối cùng của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan.

Về giải pháp Tổng mặt bằng, hai tòa nhà được xếp trên một trục của khu đất. Xung quanh là một khu vườn có qui mô lớn được trồng nhiều cây xanh dọc con đường phía Bắc. Tòa nhà thấp tầng ở phía Bắc công viên và khu tưởng niệm danh nhân được bố trí ở phía Tây của tòa nhà chính. Những lối vào dành cho phương tiện được đặt ở phía Đông.

Mặt đứng công trình chính được bao che bởi 2 lớp bê tông đúc sẵn xếp chồng lên nhau, lớp tường kính bên trong .Cấu trúc của 2 lớp này phù hợp để bảo vệ nội thất, đặc biệt là khu trưng bày các hiện vật tránh nhiệt độ và độ ẩm cao của khí hậu gió mùa của Việt Nam. Tường bao quanh tòa nhà gồm 2 lớp. Lớp bên ngoài gồm những tấm bê tông đúc sẵn ứng lực trước có ốp đá mầu vàng bên ngoài, được xếp chồng lên nhau được neo giữ bằng cáp căng lượn theo đường cong bao quanh công trình. Lớp bên trong là tường kính có dán đá xuyên sang (đá Marble) cho khu vực trưng bày, còn khu vực hành chính, trung tâm bảo quản và phục chế chỉ dùng tường kính để giảm giá thành công trình.

Công trình được bao bằng hệ thống mái che cong nhịp lớn. Hệ kết cấu áp dụng trong thiết kế công trình là sự kết hợp giữa công nghệ xây dựng truyền thống như bê tông cốt thép thường và công nghệ tiên tiến nhất là hệ thống khung thép, dàn thép cường độ cao và bê tông cốt thép ứng suất trước. Hệ thống kết cấu được thiết kế kháng chấn nhằm bảo vệ những quốc bảo trưng bày trong bảo tàng.


Giao thông ngoài nhà được bố trí hợp lý, phục vụ cho từng chức năng riêng biệt, không chồng chéo và giao cắt nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho sử dụng. Hệ thống giao thông nội bộ được thiết kế theo trục chính chạy từ Đông sang Tây kết nối hai không gian chính là Tòa nhà chính và Khu tưởng các danh nhân…


Đáng chú ý, công trình được áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại.



Thu Hằng


Hiện thực hóa vấn đề “Xã hội hóa hoạt động bảo tàng”
Hiện thực hóa vấn đề “Xã hội hóa hoạt động bảo tàng”

Thực hiện chính sách “Xã hội hóa hoạt động bảo tàng”, hiện nay các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết với các cá nhân và tổ chức xã hội để vừa thu hút mọi người tham gia hoạt động bảo tàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN