Đau lòng người yêu cà phê Việt

Người bạn Myanmar nhắn tin hỏi tôi vụ cà phê trộn bột pin ở Việt Nam là có thật hay không khiến tôi không khỏi giật mình.

Cà phê Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến thị trường của hơn 80 nước trên thế giới. Nhiều du khách nước ngoài khi đến Việt Nam đã nhất định phải thử cà phê để hiểu về văn hóa đất nước này.

Hai người bạn tôi đến từ Myanmar, khi đến thăm Hà Nội đã được tôi dẫn đi thử món cà phê trứng - đặc sản Hà Thành. Họ đã tấm tắc khen ngon.

Cà phê bẩn chế biến tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông bắt quả tang. Ảnh: TTXVN phát

Khi đến TP Hồ Chí Minh, họ đã mua một túi cà phê rang sẵn tại chợ Bến Thành về nước để thưởng thức. Nhưng câu chuyện cà phê bẩn vừa bị phát giác tại Đắk Nông mà bạn tôi đọc được trên báo đã khiến anh không khỏi lo lắng.

Tôi đã cố gắng trấn an bạn mình để họ hiểu rằng, đó chỉ là một "con sâu nhỏ làm rầu cả nồi canh". Và những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê uy tín ở Việt Nam thì rất nhiều. Nhưng dù gì thì điều này cũng gợi trong tôi nhiều suy nghĩ.

Việt Nam nổi tiếng thế giới về cà phê. Hàng năm, chúng ta xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn cà phê, đem về 3,2 - 3,4 tỷ USD. Riêng quý 1/2018, xuất khẩu cà phê đã mang lại 1,028 tỷ USD. Thế như thi thoảng, chúng ta vẫn nghe được những câu chuyện về cà phê bẩn, cà phê trộn tạp chất ngay trên đất nước mình, và câu chuyện ở Đắk Nông mới đây không phải là lần đầu tiên.

Lẽ nào người Việt không thể yên tâm uống cà phê sạch ngay trên đất nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới này? Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho rằng, cơ sở ở Đắk Nông chỉ là cơ sở thu mua nông sản nhỏ lẻ, chủ yếu thu mua phế phẩm cà phê và hồ tiêu để cung cấp cho những thương lái thu gom. Thế nhưng việc cơ sở này trộn lõi pin vào các phế phẩm cà phê rồi tuồn đi tiêu thụ những đâu thì chưa ai biết. Đã có bao nhiêu địa điểm bán cà phê mua thứ cà phê bẩn đó, bao nhiêu người dân uống phải thứ "thuốc độc" đó?

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các tiểu thương, cơ sở rang xay cà phê chân chính của Việt Nam, làm đau lòng những người làm cà phê sạch.

Gia đình bà Phạm Thị Kim Anh (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) làm nghề rang xay, bán cà phê từ năm 1986. Đến nay, tuy đã đến tuổi nghỉ dưỡng nhưng mỗi tháng bà vẫn bán khoảng 50 - 70 kg cà phê xay sẵn chủ yếu cho người quen. Nhắc đến câu chuyện cà phê bẩn vừa bị phát giác, bà Kim Anh buồn lòng không hiểu vì sao họ lại làm như vậy.

"Cà phê khi rang xay, tùy theo bí quyết của mỗi người có thể cho thêm các phụ liệu như bơ, muối, đường, rượu, vani, bột ca cao... với tỷ lệ riêng nhằm làm tăng hương vị của cà phê, chiều theo khẩu vị của khách. Nếu cà phê nguyên chất không cho thêm phụ liệu thì khi pha màu sẽ đen hơn nhưng khi uống có thể bị say, choáng váng. Tuy nhiên, không bao giờ tôi nghĩ người ta có thể cho bột pin vào", bà Kim Anh chia sẻ.

Bà Kim Anh cho biết thêm, những hộ buôn bán cà phê nhỏ như nhà bà chủ yếu "lấy công làm lãi", giữ chữ tín để bán cho khách quen nên không bao giờ cho hóa chất độc hại vào cà phê. Còn các cơ sở sản xuất quy mô lớn đưa ra thị trường thì đều phải đăng kí kinh doanh, cần được kiểm tra thường xuyên.

Ông Nguyễn Chí Thanh bên vườn cà phê.

Còn ông Nguyễn Chí Thanh, người có vườn cà phê rộng hơn 1 ha ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, 1 ha ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và 1 vườn cà phê 1,6 ha ở Gia Lai cũng không khỏi rầu lòng khi nghe tin về cà phê bẩn ngay trên mảnh đất Tây Nguyên của mình.

Trò chuyện cùng phóng viên, bác nông dân này cho biết, muốn kiểm soát chất lượng cà phê từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, cần hướng đến sản xuất quy mô lớn. Như tại gia đình ông, tất cả cà phê sau thu hoạch đều được các công ty cà phê lớn thu gom để chế biến chứ không bán cho các thương lái nhỏ lẻ.

"Để làm được như vậy thì các hộ trồng cà phê phải tuân thủ các tiêu chuẩn, kỹ thuật về nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật", ông Thanh cho hay.

Sau sự việc đáng buồn này, các cơ quan chức năng ở mỗi địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp thu mua chế biến rang xay cà phê, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, rà soát lại quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các công đoạn sản xuất nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm cung cấp ra thị trường. Đồng thời phạt nặng, thậm chí đóng cửa những cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn thực phẩm, đầu độc người dân. Đây là điều mà người tiêu dùng, cũng như những người yêu cà phê Việt mong đợi.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam: Khó kiểm soát các cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ
Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam: Khó kiểm soát các cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ

Sau vụ việc cà phê nhuộm pin, nhiều người tiêu dùng đang hoang mang về việc các doanh nghiệp nhỏ lẻ thường trộn tạp chất vào cà phê, gây nguy hại lớn với sức khoẻ người tiêu dùng và uy tín của thị trường cà phê Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN