Đập thủy lợi 739 (Đắk Lắk) xây để... chờ vỡ

Thời hạn thi công là 700 ngày, nhưng chỉ sau hơn 200 ngày, chưa bóc xong phong hóa và thi công phần móng, chủ đầu tư đã “hào phóng” quyết toán toàn bộ giá trị gói thầu cho nhà thầu. Do thi công ẩu, đến nay dù chưa tích nước nhưng đập chính của công trình thủy lợi 739 đã nứt, vỡ 2 lần, nước chảy xuyên qua thân đập.


Quyết toán khống tiền tỷ


Công trình thủy lợi 739 được xây dựng trên địa bàn xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Tổng vốn đầu tư cho công trình là 33,158 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ. Thời gian thi công từ tháng 11/2009 đến tháng 11/2011. Sau khi hoàn thiện đưa vào sử dụng, công trình sẽ phục vụ tưới tiêu cho hơn 300 ha cây trồng các loại; tạo dựng nghề nuôi trồng thủy sản trên mặt hồ có diện tích hơn 190 ha, phát triển khu dân cư quy mô 220 hộ…

Nhiều chỗ trên thân đập bị rò, nước chảy ào ào xuyên qua thân đập, nguy cơ vỡ đập hiện hữu.


Công trình được chia làm 2 gói thầu, trong đó gói số 1 gồm xây dựng đập chắn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước trị giá hơn 16,3 tỷ đồng, do Liên danh Công ty TNHH XD Yến Ngân (Cty Yến Ngân) và Công ty TNHH Quang Minh trúng thầu. Theo phân chia, Cty Yến Ngân chịu trách nhiệm thi công phần lớn thân đập chắn nước với trị giá 9,719 tỷ đồng. Theo kế hoạch, phần việc của Cty Yến Ngân được khởi công ngày 26/10/2009 và sẽ hoàn thành khối lượng công việc trong thời gian 700 ngày. Tuy nhiên cho đến nay phần thi công của Cty Yến Ngân vẫn còn dở dang, tức là chậm tiến độ hơn 1 năm so với cam kết.


Bất ngờ hơn, dù cho đến nay phần việc của Cty Yến Ngân vẫn còn dở dang, nhưng trước đó, chỉ sau hơn 200 ngày thi công, phía chủ đầu tư đã “hào phóng” thực hiện nghiệm thu khống và thanh toán cho Cty Yến Ngân toàn bộ giá trị của gói thầu là 9,719 tỷ đồng (kể cả tiền ký quỹ). Cụ thể, việc nghiệm thu và thanh toán gói thầu do Cty Yến Ngân phụ trách được chia làm 3 đợt: đợt 1 vào ngày 1/3/2010, với số tiền 3.805.410.000 đồng; đợt 2 vào ngày 27/4/2010, với số tiền 3.501.136.000 đồng; đợt 3 vào ngày 26/6/2010 với số tiền 2.412.530.000 đồng.


Nếu nhìn vào hồ sơ thanh quyết toán thì việc chủ đầu tư thanh toán cho phía Cty Yến Ngân không có gì bất thường. Thậm chí cần phải khen thưởng cho đơn vị thi công vì đã vượt tiến độ thời gian tới 350%. Tuy nhiên, theo ông Trương Quang Lương, thành viên Hội đồng thành viên Cty Yến Ngân thì vào thời gian đó, việc thi công thân đập chính của công trình vẫn chưa xong phần việc bóc phong hóa và làm móng (khối lượng bóc phong hóa hơn 100.000 m3). Để hợp thực hóa hồ sơ thanh toán, ông Nguyễn Hữu Điền, Giám đốc Cty Yến Ngân khi đó đã giả chữ ký của giám sát kỹ thuật thi công. Thực tế, đến nay công trình này vẫn đang thi công dở dang là một minh chứng rõ ràng nhất về sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công khi họ móc ngoặc với nhau để thanh quyết toán toàn bộ giá trị gói thầu, trong đó phần quyết toán khống trên 60% giá trị gói thầu.


Nguy cơ vỡ đập


Không chỉ sai phạm về thanh quyết toán khống, thi công dở dang, mà hiện nay nguy cơ hiện hữu với công trình này là vỡ đập khi tích nước vào mùa mưa. Những ngày cuối tháng 1/2013, khi nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại hiện trường, phía trên mặt đập công nhân đang thi công lát mái bê tông chống xói lở cho mặt đập phía trong, thì ngay chính giữa đập, một dòng nước chảy xuyên qua thân đập rất mạnh. Cùng đi với nhóm phóng viên, kỹ sư Nguyễn Quyền, chuyên gia hàng đầu về thủy lợi tại Đắk Lắk, người đã từng thiết kế, thi công nhiều công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên khẳng định: Với tình trạng này, nếu họ (chủ đầu tư và đơn vị thi công – PV) dám tích nước thì chỉ cần lũ nhỏ thôi, con đập sẽ vỡ ngay. Với dung tích hồ khoảng 6 triệu m3, nếu vỡ đập, hậu quả sẽ khôn lường. Cũng theo vị chuyên gia này, để khắc phục sự cố rò rỉ, cần có đơn vị thẩm định chất lượng, kiểm tra xác định vị trí rò nước qua thân đập, sau đó phải phá bỏ đoạn thân đập, gia cố móng bằng bê tông, xử lý chống thấm và thực hiện đắp thân đập theo đúng quy trình kỹ thuật. Kinh phí khắc phục tốn kém nhiều tỷ đồng, trong khi kinh phí của công trình đã được chủ đầu tư thanh toán hết.

Công trình thủy lợi 739 đã quyết toán xong tháng 6/2010, nhưng đến tháng 1/2013 vẫn dang dở.


Thực tế, dù hồ thủy lợi 739 chưa thực hiện tích nước đúng công năng lần nào, nhưng trước đó thân đập đã bị nứt và vỡ tới 2 lần tại đoạn do Cty Yến Ngân thi công. Sau khi đập bị vỡ, thay vì phải lập đoàn kiểm tra, tư vấn, giám sát để đưa ra biện pháp khắc phục đúng kỹ thuật, đơn vị thi công lại vội vàng đổ đất vá lại đoạn bị vỡ, không thực hiện chống thấm, lu chèn đúng quy trình kỹ thuật.


Đi thực tế một đoạn ngắn phía ngoài thân đập, ngoài dòng chảy lớn xuyên thân đập nói trên, chúng tôi đã đếm được không dưới 10 dòng nước chảy rò qua thân đập từ những vị trí khác nhau. Chỉ cần cúi đầu hơi thấp xuống là nghe tiếng nước chảy róc rách xuyên qua đập. Nhiều đoạn thân đập bị ngấm no nước trở thành bùn nhão nhoẹt, khiến một thành viên trong nhóm sụt chân xuống bùn đến gần đầu gối. Phía mặt ngoài thân đập chi chít những vết nứt lõm sâu xuống mặt của thân đập. Những vết nứt này do những lần vỡ đập tạo nên.


Những sai phạm tại công trình thủy lợi 739 chỉ được phát giác khi nội bộ của Cty Yến Ngân lục đục. Ông Nguyễn Hữu Điền, Giám đốc Cty Yến Ngân bị các thành viên Cty này tố giác thu chi mập mờ khiến DN nợ đầm đìa, không có khả năng thanh toán. Giả thiết rằng, nếu xảy ra sự cố vỡ đập trong mùa mưa, trong khi những sai phạm nói trên không bị phát giác, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ thoát tội ngoạn mục khi đổ lỗi do ông trời làm lũ lớn.


Chúng tôi rất mong muốn được nghe một lời giải đáp rõ ràng hơn từ phía chủ đầu tư nhưng đành bó tay bởi chủ đầu tư liên tục đưa ra lời hẹn suông, né tránh phóng viên. Cuối cùng, phải nhờ đến công văn mời tham dự họp giao ban báo chí vào tháng 2/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi mới gặp được vị đại diện phía chủ đầu tư (nhưng vị đại diện này lại không có chuyên môn về thủy lợi). Cuối cùng, đại diện chủ đầu tư cũng chỉ giải đáp một cách mơ hồ rằng: Tiến độ thi công chậm là do mưa lũ, ban quản lý dự án chưa thực hiện hết chức trách được giao, còn nể nang thanh toán trước khối lượng cho nhà thầu nên xảy ra tình trạng quyết toán khống.


Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ và xử lý những sai phạm trong quản lý, thi công, giám sát và nghiệm thu, quyết toán hạng mục đầu mối công trình thủy lợi 739. Đồng thời, yêu cầu đơn vị thi công xử lý đúng quy trình kỹ thuật đoạn đập bị vỡ trước đây, bảo đảm đập an toàn và phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu của dự án.


Chỉ nghĩ đến sự tàn phá của hàng triệu m3 nước đổ ập xuống khi xảy ra sự cố vỡ đập, chắc hẳn ai cũng phải rùng mình hoảng sợ.



Bài và ảnh:Việt Dũng

Khẩn trương khắc phục vụ vỡ đập thủy điện Đakrông 3
Khẩn trương khắc phục vụ vỡ đập thủy điện Đakrông 3

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn, chủ đầu tư công trình cho biết: Vào khoảng 7 giờ ngày 7/10, 2 khoang tràn bên trên của đập chính Nhà máy thủy điện Đakrông 3 bị vỡ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN