Đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế - Bài cuối: Gắn kết với doanh nghiệp

Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có những thay đổi để phù hợp với nhu cầu thực tế. Một trong những hình thức được các cơ sở đào tạo nghề thực hiện là đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế để bắt kịp với xu thế hội nhập cũng như chú trọng đến việc đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các phương pháp đào tạo này đã và đang hình thành nên một mô hình đào tạo mới, giúp xã hội nhìn nhận tích cực về vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong thị trường lao động.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2022. Ảnh minh hoạ: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Khó khăn, thuận lợi đan xen

Trực tiếp đào tạo theo chương trình thí điểm với Cộng hòa Liên bang Đức, Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Phương thức tiếp cận giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển như Cộng hòa Liên bang Đức, Australia là thời gian đào tạo về kỹ năng cho người học chiếm rất nhiều, chiếm từ 70-80%. Người học bắt buộc phải ra học tập tại doanh nghiệp. Tức là trước khi khai giảng lớp này, nhà trường/cơ sở đào tạo được phép đào tạo phải ký kết với các doanh nghiệp đủ điều kiện năng lực và được chuyên gia các nước chuyển giao chương trình đến kiểm định lại, nếu đủ, sẽ cho các trường này tiếp tục phối hợp. 

Một người tốt nghiệp Trung học Phổ thông, không phải là loại giỏi hay xuất sắc, tham gia vào chương trình quốc tế của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu về lý thuyết sẽ có nhiều ý kiến cho rằng không đạt được chất lượng cao nhưng thực tế quá trình triển khai cho thấy đối với chương trình học từ Australia hay Cộng hòa Liên bang Đức chuyển giao, thời lượng học kiến thức lý thuyết gắn chặt với kỹ năng. Sinh viên sau khi học lý thuyết xong sẽ phải thực tập luôn kỹ năng của phần đó (đào tạo theo dạng modun). Khác với đào tạo lý thuyết hàn lâm, phương thức đào tạo này không cần người quá giỏi mới học được, chỉ cần những người yêu nghề và có năng lực học tập bình thường trở lên. Đó chính là thuận lợi của phương pháp đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển - Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc dẫn chứng.

Đồng tình với nhận định trên, Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định thuận lợi của việc chuyển giao công nghệ này là rất nhiều. Thuận lợi đầu tiên đó là chủ trương của Đảng, Nhà nước đã có rất đầy đủ, rõ ràng về việc thực hiện đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là chuyển giao chương trình từ nước ngoài; hệ thống pháp luật cũng đang dần có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn đang diễn ra, những quy định mới cần bổ sung để sau này có thể triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình chuyển giao theo tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam sẽ có ngay một bộ chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế: Đây là chương trình của Việt Nam, đào tạo tại Việt Nam nhưng lại được quốc tế công nhận, thừa nhận. Đồng thời, Việt Nam có được một đội ngũ nhà giáo có năng lực, đáp ứng được chuẩn quốc tế; hình thành được một đội ngũ các trường chất lượng cao. Việt Nam đang có 25 trường đạt tiêu chuẩn Australia để giảng dạy 12 nghề và 45 trường đạt tiêu chuẩn để đào tạo theo chuẩn của Cộng hòa Liên bang Đức để giảng dạy 22 nghề. Người học các chương trình này, sau khi ra trường sẽ được cấp hai bằng: bằng Việt Nam và bằng quốc tế. Đây là thuận lợi rất lớn cho chương trình chuyển giao từ nước ngoài tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng cũng chỉ rõ: Mô hình đào tạo từ nước ngoài để tiếp cận các chuẩn quốc tế đã diễn ra trong giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng đã có nhưng cách thức chuyển giao chương trình đào tạo này từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Đây là khó khăn đầu tiên bởi chưa có tiền lệ nên trong quy định của pháp luật chưa có nội dung này, dẫn đến trong quá trình triển khai trong thực tiễn có rất nhiều khó khăn. 

Khó khăn tiếp theo là chính là quy định khắt khe của quốc tế, đòi hỏi về vấn đề năng lực các nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở… đều phái đáp ứng đúng tiêu chuẩn của nước chuyển giao chương trình đào tạo. Do đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó trong việc phải lựa chọn và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy. Bên cạnh đó, người học cũng là một khó khăn. Theo đánh giá thông thường, những em trượt đại học hoặc không có năng lực học sẽ vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng khi được đào tạo theo chương trình này, đòi hỏi các em phải có trình độ từ khá trở lên, bởi sau khi học xong, trình độ ngoại ngữ của các em tương đương với hạng B1 hoặc B2. Nghĩa là ngoài kỹ năng chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, trình độ ngoại ngữ cũng đòi hỏi các em phải như sinh viên quốc tế, như học ở nước ngoài. 

Xây dựng cơ chế hợp tác, hài hòa lợi ích

Với kinh nghiệm đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc kiến nghị: Về mặt cơ chế, chính sách cần có sự thúc đẩy, cơ chế ràng buộc đối với các doanh nghiệp tham gia sâu, rộng đối với đào tạo nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp. Bởi, thực tế, hiện đã có các chính sách thuế, đã có quy định doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm đóng góp thuế để Nhà nước phân bổ lại từ nguồn thuế doanh nghiệp đóng cho các hệ thống giáo dục nói chung. Hàng ngày, hàng tháng có hàng trăm doanh nghiệp mới xuất hiện. Các doanh nghiệp này hầu hết là được thừa hưởng nguồn nhân lực đã được đào tạo có sẵn nhưng họ lại nêu vấn đề phải đào tạo lại người lao động ngay khi tuyển dụng. Mấu chốt ở đây là doanh nghiệp không tham gia với các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như chương trình học tập của sinh viên. Đồng thời, các cơ sở đào tạo không gắn liền, không hướng đến mục tiêu cung cấp nhân lực cho các vị trí việc làm trong doanh nghiệp, sẽ chỉ tập trung đào tạo những gì mình có chứ không hướng đến việc đào tạo những gì doanh nghiệp, người lao động và xã hội cần. 

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Tiến sỹ Đồng Văn Ngọc cho rằng cần có cơ chế chính sách để ràng buộc, thúc đẩy các doanh nghiệp hiểu được phải có sự đóng góp cho Nhà nước và Nhà nước cần có sự điều phối ngân sách chi cho các hoạt động giáo dục đào tạo nhân lực, cung cấp nguồn lực lao động xã hội. Doanh nghiệp có sự đóng góp, từ đó sẽ có sự gắn kết, vào cuộc cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn. Câu chuyện cần nói đến ở đây đó là cần sự rõ ràng cho các doanh nghiệp cũng như nâng cao hoạt động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. 

Từ góc độ quản lý nhà nước, Tiến sỹ Vũ Xuân Hùng cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hiện đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ có những chỉ đạo triển khai tốt việc đào tạo theo chương trình quốc tế. Các nội dung, chương trình sau khi thí điểm thành công sẽ có tổng kết, đánh giá, triển khai nhận rộng. Vì thế, thời gian tới, Tổng cục Giáo dục sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai trong hệ thống.

Cũng liên quan đến việc đào tạo nhân lực cao theo chuẩn quốc tế, theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xúc tiến chủ trương thành lập Trung tâm Quốc gia Đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến tại 3 miền. Các Trung tâm được thành lập trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại ba trường Cao đẳng của Bộ gồm: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quãng Ngãi), Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Thành phố Hồ Chí Minh). 

Các trung tâm này được đặt trong mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, có tính chất dẫn dắt trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp; có đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế, chuyển giao các chương trình giảng dạy mới. 

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành ba trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 70 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và ba trường tiếp cận các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm 3 đến 5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có 90 trường chất lượng cao... Các trung tâm này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. 

Theo nhiều chuyên gia, quá trình phục hồi, phát triển kinh tế bền vững cần tập trung vào các trụ cột quan trọng: Đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn; triển khai các chương trình đầu tư quy mô lớn, có tác động lan tỏa; nâng cao chất lượng thể chế chính sách, môi trường đầu tư; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề. 

Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến thị trường này: nhà quản lý, nhà trường và doanh nghiệp. Các bên cần xây dựng các chiến lược, lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; xây dựng cơ chế hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích, cùng có trách nhiệm xây dựng mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng như các hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển nhân lực có kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của quá trình phục hồi, phát triển nền kinh tế.

Phúc Hằng (TTXVN)
Đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế - Bài 1: Chuyển hướng
Đào tạo nhân lực theo tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế - Bài 1: Chuyển hướng

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN