Hoạt động nổ mìn khai thác đá gây ra nhiều dư chấn cho quần thể hang động và ô nhiễm môi trường.
Quần thể núi Kim Sơn tọa lạc trên địa bàn 3 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An và Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Đây là dãy núi đá vôi dài khoảng 3.000m, cao hơn 500m với 29 ngọn núi khác nhau và được coi là thắng cảnh kỳ bí Kim Sơn - Tiên Sơn. Nhìn từ xa, du khách có thể thấy hình dáng các ngọn núi như khuôn mặt của một người phụ nữ đang nằm. Đặc biệt, núi Hang có hệ thống hang động tuyệt đẹp được người dân phát hiện năm 1919, có chiều dài hơn 2 km với nhiều thạch nhũ đủ hình dạng kỳ thú.
Cơ sở khai thác đá gần khu danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn. |
Thế nhưng trên con đường đi vào khu danh thắng quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn, du khách rất dễ nhận thấy tiếng ồn của các xưởng chế biến đá, con đường bụi mù mịt và đang xuống cấp với nhiều ổ trâu, ổ voi. Tại đây có tới hàng chục cơ sở khai thác đá mà hầu hết số lượng đá được khai thác từ các dãy núi gần khu danh thắng cấp quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu danh thắng.
Có mặt tại chùa Linh Ứng, ngôi chùa nằm trong quần thể danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn, du khách không khỏi giật mình thấp thỏm bởi phía trên vách núi nhiều mỏm đá dựng cheo leo có nguy cơ đổ sập bất kì lúc nào. Đại đức Thích Tĩnh Hải, trụ trì chùa Linh Ứng cho biết: Mỗi khi các chủ mỏ cho nổ mìn khai thác đá, mọi người đều cảm nhận rất rõ sự rung lắc mạnh của núi Hang (ngọn núi nằm trong quần thể di tích Quốc gia Kim Sơn - Tiên Sơn).
Mới đây, một khối đá nặng khoảng 4 m3 từ trên đỉnh núi bất ngờ đổ ập xuống ngay trong khuôn viên nhà chùa. Rất may khi đó không có người nào ở gần khu vực sạt lở đá. Thời gian tới, rất mong các cấp chính quyền quan tâm, quy hoạch khai thác đá hợp lý để bảo vệ được danh thắng, đảm bảo an toàn cho du khách thập phương đến vãn cảnh chùa và danh thắng này.
Ông Hoàng Hữu Bình, người dân tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết, cứ mỗi lần nổ mìn, khu vực xung quanh khu danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn lại rung lên. Cần cấm nổ mìn khai thác đá ở khu vực này để bảo tồn khu di tích danh thắng, gìn giữ cho con cháu mai sau.
Mỏm đá cheo leo trên chùa Linh Ứng do tác động của nổ mìn khai thác đá. |
Gần quần thể danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn có 8 mỏ khai thác đá nằm trên địa bàn các xã Vĩnh An, Vĩnh Thịnh và xã Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc). Tại đây có những mỏ đá được cấp phép tới 30 năm. Cứ sau mỗi lần nổ mìn, hàng trăm mét khối đá bị khai thác đưa đi.
Khi được hỏi về việc nổ mìn khai thác đá có ảnh hưởng đến quần thể danh thắng Kim Sơn - Tiên Sơn, đặc biệt là hệ thống hang động tại núi Hang hay không, ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Về vấn đề này, UBND huyện sẽ cho kiểm tra lại để phát hiện xem có doanh nghiệp nào khai thác đá trái phép không.
Đối với những doanh nghiệp được cấp phép, UBND huyện sẽ kiểm tra xem họ khai thác có đúng với mốc giới và quy trình đã được cấp phép hay không. Nếu các doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá nhưng làm ảnh hưởng đến khu danh thắng này, UBND huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép.
Việc khai thác đá không chỉ làm ảnh hưởng đến khu danh thắng mà còn gây ô nhiễm môi trường. Theo quan sát của phóng viên, ngay trên tuyến đường quốc lộ 217 đoạn qua xã Vĩnh An, các cơ sở chế biến đá lớn nhỏ hoạt động hết công suất, bụi bay mù mịt ảnh hưởng đến người dân đi lại. Đây cũng là tuyến đường đến thành nhà Hồ khiến du khách không khỏi bận lòng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, Lê Văn Thao thừa nhận, thực trạng các công ty khai thác đá quá mức và làm ô nhiễm bụi trên tuyến quốc lộ 217 là có. Về vấn đề này, huyện Vĩnh Lộc đang quy hoạch cụm công nghiệp với quy mô 35 ha trên địa bàn xã Vĩnh Minh. Theo đó, huyện sẽ vận động các công ty khai thác đá về khu quy hoạch nhằm đảm bảo môi trường.