Dân Xuân Lũng cần một cây cầu

Từ nhiều năm nay, người dân thôn Xuân Lũng (xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) phải ngày ngày chèo bè tự chế để vượt sông và đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.

Em Vi Thị Thêu (lớp 6) chèo bè đưa em trai mình (lớp 2) đi học tại trường tiểu học Khánh Khê.

Xã Bình Trung là một xã nghèo nơi biên giới; trong đó thôn Xuân Lũng là thôn đặc biệt khó khăn với 90% dân số là dân tộc Nùng, gồm 67 hộ dân với 207 nhân khẩu. Người dân nơi đây hoàn toàn sống dựa vào 68 ha trồng lúa. Cuộc sống của họ càng khó khăn hơn khi xã hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài bởi con sông Kỳ Cùng.

 

Ông Vi Văn Quân, Trưởng thôn Xuân Lũng cho biết, các hộ dân trong thôn đều tự chặt tre, nứa, ghép lại thành bè rồi khóa vào các bụi tre ven sông đề phòng nước cuốn trôi. Dù đi học, đi làm hay buôn bán, ai cũng phải mang theo mái chèo và chìa khóa... Do đi lại khó khăn như vậy nên bà con khó có điều kiện phát triển kinh tế. "Muốn buôn bán cái gì cũng bị ép giá, một cân lợn hơi nơi đây phải bán giảm so với bên kia sông ít nhất là 2 giá. Ngoài ra, mỗi năm có từ 4 - 5 đợt lũ về, khi đó mọi giao thương đều bị đứt đoạn. Do đi lại khó khăn như vậy, đến nay thôn Xuân Lũng vẫn còn 21 hộ nghèo với thu nhập bình quân mỗi người một tháng chỉ trên dưới 300.000 đồng", ông Vi Văn Quân chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày có 100 lượt người qua lại bằng bè tự chế, không có bất cứ phương tiện cứu sinh nào.


Việc học tập của học sinh thôn Xuân Lũng cũng vô cùng vất vả. Cả thôn hiện có 60 em học sinh trong lứa tuổi đến trường. Hàng ngày các em phải hai lượt vượt sông đi học. Không chỉ hàng ngày đối mặt với nguy cơ rình rập đến tính mạng, các em học sinh thôn Xuân Lũng cũng phải thường xuyên nghỉ học vào mùa nước lũ. Em Vi Văn Hiệp, học sinh lớp 7, cho biết: "Mỗi khi có lũ thì mỗi đợt chúng em phải nghỉ học từ 4 - 5 ngày. Thời gian sau sẽ đến lớp học bù nhưng thường thì vẫn không theo kịp các bạn trên lớp; ngoài cặp sách, chúng em còn mang theo mái chèo đến lớp".


Được biết, năm 2007, chính quyền huyện Cao Lộc đã xây một cây cầu bê tông để người dân vượt sông nhưng chỉ sử dụng được 1 năm. Bởi năm 2008, khi xã Khánh Khê (huyện Văn Quan) ở kế bên xây đập thủy nông, thì cây cầu này quanh năm chìm sâu dưới nước và người dân lại quay trở lại với phương tiện bè mảng tự đóng và hầu như năm nào cũng có tai nạn. Ngay đầu năm 2013, ba cô giáo của phân trường Xuân Lũng đã bị rơi xuống nước khi vượt sông bằng bè, may mắn được các em học sinh đi cùng cứu kịp. Trước đó, năm 2012, một người đàn ông đã chết đuối khi vượt sông bằng những chiếc bè tự đóng này.


Việc xây cầu cho người dân thôn Xuân Lũng đã được xã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp và thôn này vẫn bị cô lập, người dân trong thôn vẫn hàng ngày đi lại trên bè, không có phương tiện cứu hộ, với nguy cơ tai nạn rất cao...


Bài và ảnh: Hoàng Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN