Tính đến 13 giờ ngày 17/10, huyện biên giới Ea Súp có 390 nhà bị ngập. Các hộ có nhà bị ngập đã được sơ tán tại chỗ, đảm bảo an toàn.
Ngày 17/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền các địa phương và Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 (Quân khu 5) triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời hỗ trợ các hộ dân có nhà bị ngập di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tại huyện Ea Súp, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã kịp thời ứng cứu 16 người dân bị cô lập; di dời 29 hộ ở xã Ea Bung và xã Ia Lốp bị ngập đến nơi an toàn. Tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk phối hợp với chính quyền địa phương di dời 6 hộ có nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy Trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, các Đồn Biên phòng đã bố trí lực lượng thường trực và được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, y tế để phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mưa lũ. Khi nước lũ rút, các lực lượng này hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, tiêu độc khử trùng, khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra để nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Huyện Ea H’leo có 27 nhà bị ngập, huyện Buôn Đôn có 9 nhà bị ngập. Các địa phương đã sơ tán khẩn cấp người dân đến nơi an toàn. Mưa lũ khiến huyện Ea Súp thiệt hại khoảng 1.873 ha lúa, hoa màu, 11,9 ha ao cá, 918 con gia súc gia cầm. Huyện Ea H’leo có khoảng 60 ha cây trồng các loại bị ngập. Mưa lũ làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã của huyện Ea Súp bị ngập nặng, gây cô lập nhiều khu dân cư. Nhiều điểm trên tuyến đường tỉnh lộ 1, 3, 10, 13 và 15 bị ngập và hư hỏng gây khó khăn trong lưu thông.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, song song với công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, bố trí lực lượng và phương tiện túc trực tại các khu vực xung yếu để hướng dẫn người, phương tiện qua lại và sẵn sàng ứng phó với các tình huống; triển khai lực lượng để sơ tán người, tài sản của người dân đến nơi an toàn; di dời các hộ dân có nguy cơ bị ngập đến khu vực cao. Đơn vị vận hành hồ chứa cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, đặc biệt là theo dõi lượng nước đầu nguồn đổ về hồ để có phương án ứng phó, điều tiết xả nước phù hợp với tình hình. Khi có kế hoạch xả nước, đơn vị phải thông báo ngay cho người dân và chính quyền địa phương để chủ động các biện pháp phòng, chống.