Tự mày mò học hỏi
Ông Mười sinh ra, lớn lên ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) và từng công tác ở huyện Cần Giờ. Từ năm 1990, ông chuyển về ấp 5, xã Hòa Phú (huyện Củ Chi) và lập nghiệp bằng nghề trồng nấm.
Ban đầu, do không có nhiều vốn và kiến thức về nghề trồng nấm, nên ông Mười chọn khởi nghiệp với loại nấm dễ trồng nhất là bào ngư. Vừa làm, ông vừa tự mày mò học hỏi thêm. Chia sẻ về những ngày đầu, ông Mười cho biết, những năm 1990, kinh tế gia đình ông khó khăn, cùng với điều kiện về kỹ thuật lúc đó còn hạn chế, nên tất cả công đoạn làm nấm đều được thực hiện thủ công. Có lần, do xử lý giá thể không kỹ, toàn bộ phôi nấm bị hỏng, coi như mất trắng. Tuy nhiên, mỗi thất bại là một bài học kinh nghiệm để ông đúc kết ra quy trình chuẩn, cải thiện dần chất lượng phôi nấm và nấm thành phẩm.
Khi đã thuần thục kỹ thuật trồng nấm thông thường, ông Mười tiếp tục tự nghiên cứu, tạo ra các giống nấm mới để tự chủ nguồn giống. Sau thời gian thử nghiệm, đến nay, cơ sở Nấm 10 Sài Gòn đã tạo ra hơn 10 giống nấm khác nhau, như các giống nấm linh chi đỏ, sò hồng, hoàng kim cho giá trị kinh tế cao.
Tích lũy vốn và kinh nghiệm qua nhiều năm, cơ sở Nấm 10 Sài Gòn từ chỗ chỉ gói gọn trong khoảng 500 m2, đã ở rộng lên 2.000 m2 và đến nay là 3.000 m2. Bên cạnh đó, ông Mười cũng đầu tư các thiết bị như máy sàng mùn cưa, lò hơi công nghiệp, xe nâng… để đảm bảo chất lượng giá thể, phôi nấm đồng đều và tiết kiệm chi phí nhân công. Sau thời gian trồng nấm thương phẩm, nhận thấy nhu cầu phát triển ngành trồng nấm ở địa phương và nhiều tỉnh, thành phố khác tăng cao, ông Mười chuyển sang sản xuất phôi nấm cung cấp cho các cơ sở.
Theo ông Mười, nấm là thực phẩm cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp cho cả người ăn chay và mặn. Do đó, nhu cầu thị trường rất lớn. Nghề trồng nấm vì thế cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hiện nay, mỗi tháng cơ sở Nấm 10 Sài Gòn của ông sản xuất trên 100.000 bịch phôi nấm, doanh thu trung bình đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo
Thời gian đầu mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở Nấm 10 Sài Gòn đã tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương từ các khâu sàng mùn cưa, đóng bịch, cấy meo, thu hoạch nấm… Từ khi ứng dụng máy móc và chuyển sang sản xuất phôi nấm tập trung, số lao động làm việc thường xuyên chỉ còn lại 10 người. Cùng với việc cắt giảm nhân công làm việc trực tiếp, ông Mười đã tìm cách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương tự làm kinh tế.
Được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 5 (xã Hòa Phú), ông Mười đã đề xuất Ngân hàng Chính sách cho người dân vay vốn làm ăn. Khi người dân có vốn ban đầu, ông đã cung cấp phôi nấm và hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc để có nấm thành phẩm bán ra thị trường cho thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo.
“Trước đây, Hòa Phú là vùng chuyên nuôi bò sữa. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó giá bán sữa giảm. Do đó, người dân đã bỏ chuồng trại để tìm sinh kế mới. Người trẻ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, người có vốn buôn bán nhỏ. Những ai muốn học nghề trồng nấm tôi đều sẵn sàng hướng dẫn. Tôi tự chủ được giống nấm nên có thể giúp người dân có phôi nấm chất lượng với giá rẻ hơn so với giá bán ngoài thị trường. Những hộ mới trồng chưa có đầu ra, tôi cũng giới thiệu đến các cơ sở thu mua để họ yên tâm sản xuất. Kinh tế phát triển dẫn đến an ninh trật tự ở địa phương được ổn định, giảm bớt tệ nạn, lớp trẻ có tương lai tốt hơn”, ông Mười bộc bạch.
Không chỉ hỗ trợ người dân địa phương, cơ sở Nấm 10 Sài Gòn của ông còn là điểm đến tham quan, thực hành của nhiều sinh viên và các đoàn cán bộ, hội viên, nông dân đến học hỏi, trao đổi kỹ thuật trồng nấm. Ông Mười chia sẻ, các bạn trẻ bây giờ học rất nhanh nhờ nắm được lý thuyết ở trường. Đến đây, các bạn được trải nghiệm và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhiều bạn chỉ sau một tuần thực hành đã có thể tự mình hoàn thành tất cả công đoạn tạo phôi từ bào tai nấm, tạo meo giống, đến cấy meo vào bịch. Những bạn trẻ được học, làm đúng ngay từ đầu sẽ giảm bớt những vấp váp, thất bại ông đã từng trải qua ở giai đoạn mày mò khởi nghiệp.
Ông Dương Hoàng Vĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú cho biết, ông Bùi Văn Mười là hội viên tiêu biểu của Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Hòa Phú; tích cực trong các hoạt động quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương tại các hội chợ, triển lãm. Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, ông Mười còn hỗ trợ nhiều hộ dân khó khăn trên địa bàn bằng cách cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm thương phẩm, tạo thu nhập ổn định.
“Tinh thần tự học hỏi, hăng say nghiên cứu của ông Mười trong lĩnh vực trồng nấm vừa là tấm gương vừa là nguồn cảm hứng để nhiều thanh niên, hội viên nông dân ở Hòa Phú mạnh dạn học tập, khởi nghiệp, làm chủ kinh tế. Ông Mười còn là điển hình tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã khi tích cực vận động các hộ dân hiến đất, mở đường; góp phần hoàn thành các tiêu chí về giao thông, cảnh quan nông thôn”, ông Dương Hoàng Vĩnh chia sẻ thêm.
Với sự nỗ lực không ngừng trong sản xuất, kinh doanh, nông dân Bùi Văn Mười đã được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021. Ông đã nhiều năm đạt danh hiệu “Nông dân tiêu biểu TP Hồ Chí Minh". Sản phẩm của cơ sở Nấm 10 Sài Gòn cũng được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp Thành phố năm 2018.