Dự Hội nghị có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và 300 đại biểu là lãnh đạo Hội Cựu chiến binh các ban, bộ ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao đổi nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm về công tác tuyên truyền cổ động; hướng dẫn triển khai thực hiện Quy chế công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, phát huy vai trò thiết chế văn hóa cơ sở…
Theo Đại tá Vũ Minh Thực, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Việt Nam, trong năm 2024, ngoài việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của Hội, Hội còn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt trong đó có kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là sự kiện trọng đại, khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ. Chiến thắng đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của Chủ nghĩa đế quốc.
Hội cũng tập trung trao đổi nội dung tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1944 -22/12/2024). Thông qua các sự kiện nhằm khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, của dân, do dân và vì dân; là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện. Quân đội nhân dân Việt Nam là đội quân chiến đấu, công tác, lao động sản xuất và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, tham gia gìn giữ hòa bình.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh Việt Nam đề nghị lãnh đạo, thường trực các cấp Hội thời gian tới có cơ chế, chính sách, quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá trên cơ sở có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm; có chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hóa. Đồng thời, lãnh đạo, thường trực các cấp Hội đẩy mạnh công tác xã hội hóa tại các thiết chế văn hóa, thực hiện phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động (tuyên truyền, cổ động, giáo dục, văn nghệ quần chúng, bảo tồn, lưu giữ các di sản, giá trị văn hóa); hướng các hoạt động tại các thiết chế văn hóa thực hiện đúng mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra…
Trước đó, sáng 20/3, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đảm bảo an toàn giao thông. Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin về tình hình giao thông năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn, chống ùn tắc giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phấn đấu hoàn thành 2 mục tiêu trọng tâm: Tiếp tục kiềm chế, giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết, số người bị thương và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.