Khi ở tuổi đôi mươi, ông Nguyễn Văn Cưng (sinh 1955) ngụ ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, ông kết hôn và sinh sống trên chính mảnh đất quê hương, nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Không đầu hàng trước đói nghèo, năm 2016, ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Có vốn, hai vợ chồng ông Cưng bàn nhau phát triển chăn nuôi phù hợp với sức khỏe bản thân. Ngoài ra, ông Cưng đã nhờ cán bộ thú y, nông nghiệp của xã và đồng đội tư vấn cách làm chuồng trại chăn nuôi bò thịt. Đồng thời, ông tận dụng cải tạo 1.000 m2 đất quanh nhà trồng cỏ, mua thêm máy băm cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Nhờ "mát tay" và tính cần cù, chịu khó, đến năm 2021, gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cưng chia sẻ, những đồng vốn vay ưu đãi ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành bệ đỡ, giúp gia đình ông từng bước vươn lên, cải thiện cuộc sống. Ông cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện để ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Rời nhà ông Nguyễn Văn Cưng, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Dẫu (sinh 1959) nằm sâu trong xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Vốn là du kích mật tại xã trong những năm kháng chiến, khi trở về cuộc sống đời thường, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo tại địa phương.
Tham gia Hội Cựu chiến binh xã năm 2013, dưới sự hướng dẫn của đồng đội, năm 2015, gia đình ông đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăn nuôi dê.
Khi quyết định vay vốn để đầu tư nuôi dê sinh sản, ông đắn đo, suy nghĩ vì số tiền đó rất lớn đối với gia đình ông vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, giờ ngẫm lại, đó chính là chiếc "cần câu" giúp người nghèo và các đối tượng chính sách như ông có vốn để trợ lực sản xuất, nuôi con ăn học thành tài, từng bước thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Văn Dẫu, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách có nhiều thuận lợi như lãi suất thấp, thời gian cho vay dài, phù hợp với điều kiện của người dân nông thôn.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dẫu cũng cho biết thêm, điều đáng quý nhất là sự sát cánh của đồng chí, đồng đội trong Hội Cựu chiến binh, không chỉ có nguồn vốn, mà còn là sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc đàn dê. Nhờ vậy, từ một vài con giống ban đầu, đến nay đàn dê phát triển tốt, lên đến 10 con, trong đó 6 con dê cái chuẩn bị sinh. Không chỉ vậy, ông còn nuôi 2.000 con gà thịt và thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen 'thuận tự nhiên' trong vườn cây ăn trái.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre Lê Công Trường cho biết, thời gian qua, vốn vay ưu đãi được các hội viên đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh... Từ đó, nhiều người đã vươn lên thoát nghèo làm giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cấp Hội Cựu chiến binh đã giải ngân hơn 39 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Cựu chiến binh tỉnh đạt trên 466 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 138 hội viên Hội Cựu chiến binh thuộc hộ nghèo; 332 hội viên thuộc hộ cận nghèo; 146/157 xã, phường, thị trấn và 8/9 huyện cơ bản không còn hội viên thuộc hộ nghèo.
Để làm được việc này, Hội Cựu chiến binh các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội cho cán bộ, hội viên, nhân dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách nắm bắt, tiếp cận. Nhằm quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Cựu chiến binh các cấp luôn rà soát, xem xét nhu cầu vay vốn công khai, minh bạch để giải ngân đúng đối tượng.
Sau giải ngân, các cấp Hội tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh, qua đó nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội càng phát huy hiệu quả. Ngoài ra, cán bộ, hội viên thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, tuyên truyền nhân rộng gia đình cựu chiến binh có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương sản xuất, kinh doanh giỏi từ sử dụng vốn vay, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre thông tin.
Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các Hội, đoàn thể, qua đó củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác; đồng thời rà soát, sắp xếp các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo địa bàn dân cư; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên Tổ tiết kiệm và vay vốn về chuyên môn...