Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định pari:

'Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử'-Kỳ 3: Mặt trận báo chí

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời được 8 năm đã lớn nhanh như Phù Đổng. Các Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thành lập ở khắp nơi, kể cả trong vùng còn bị địch tạm chiếm.

 

Đồng chí Xuân Thủy, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các cố vấn tại phiên đàm phán chính thức giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày 13/5/1968. Ảnh: Tư liệu - TTXVN

Ở nước ngoài, tuy với danh nghĩa là Mặt trận, nhưng đã được nhiều nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước bạn bè khác công nhận như là một chính phủ. Đã đến lúc thành lập chính phủ để thực hiện việc quản lý vùng giải phóng ngày càng rộng lớn, và có tiếng nói chính thức của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập với 12 chính sách đối nội và đối ngoại, là một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

 

Chính phủ có Hội đồng Cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch, cùng nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng tham gia. Đứng đầu Chính phủ là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tôi được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời làm trưởng đoàn đàm phán tại hội nghị bốn bên ở Pari thay đồng chí Trần Bửu Kiếm về nước làm Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ. Đón tin bổ nhiệm làm Bộ trưởng, tôi thực sự không coi là tin vui, mà thấy nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn.


Việc công bố thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam là sự kiện rất quan trọng, nhân dân trong nước vui mừng, ở Sài Gòn rất xôn xao, dư luận quốc tế cũng hết sức quan tâm. Tại bàn đàm phán khi đưa ra việc tôi thay thế đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, đồng thời đoàn ta từ đây sẽ dự hội nghị với tư cách là đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam vừa được thành lập, chúng tôi dự kiến có mấy khả năng xảy ra: đại diện Mỹ có thể phản đối, ngừng cuộc họp… Không ngờ hôm đó trưởng đoàn Mỹ chỉ tỏ ra hơi bất ngờ và phát biểu gượng gạo “ai đại diện là việc nội bộ của quý vị…”. Còn ở đoàn chúng tôi tại Pari những ngày này là những ngày hội. Tôi nhận được rất nhiều hoa và thiếp chúc mừng, phải liên tục đón tiếp các đoàn. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu đến trước tiên. Rồi đến các Đại sứ Liên Xô, Trung Quốc, Cuba… đến chúc mừng và thông báo Chính phủ các nước ấy chính thức công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp cùng các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, công đoàn… liên tiếp đến. Báo chí quốc tế đưa tin dồn dập. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 20 nước, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa và hai nước bạn chí cốt của Việt Nam là Cuba và Algérie, ra tuyên bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thế của đại diện miền Nam trên bàn hội nghị rõ ràng mạnh hơn và đàng hoàng hơn.


Thành phần đoàn chúng tôi không có gì thay đổi lớn. Tôi thay đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn. Các đồng chí Đinh Bá Thi và Nguyễn Văn Tiến là phó trưởng đoàn. Chị Duy Liên cũng về nước, nhưng đoàn lại được tăng cường chị Nguyễn Thị Chơn, và năm sau là chị Phan Thị Minh.


Tại Pari, đoàn chúng tôi có trụ sở tại Verrièré-le-Buisson (đường Cambacéres) và một bộ phận tại Massy cách đó năm, sáu cây số, trong một khu lao động. Toàn bộ đoàn không quá 30 người kể cả cán bộ nhân viên giúp việc. Riêng ở Verrièré-le-Buisson chỉ có 10 người: Tôi, Bình Thanh và vài đồng chí lễ tân, bảo vệ… Đây là một biệt thự cũ nhưng xinh xắn, nằm trên một khu đồi rộng, từ đó nhìn xuống hồ nước có mấy con thiên nga bơi lội, rất nên thơ. Sau nhà là một vườn nhỏ với khoảng chục cây cerise, buổi chiều chị em trong đoàn thường thích ra hái quả ăn và trò chuyện. Trước dãy nhà sau bếp, đồng chí cấp dưỡng có trồng mấy luống rau cải và nuôi mấy con gà. Sau những buổi làm việc căng thẳng, chúng tôi thường tham gia tưới rau, cho gà ăn, giải trí. Chúng tôi đã sống tại biệt thự Verrièré-le-Buisson gần năm năm cùng với năm năm đời thiên nga trong hồ. Cũng là năm năm lịch sử khó quên.


Phục vụ việc đi lại hoạt động của đoàn, chúng tôi được Chính phủ Pháp cử cảnh sát hộ tống, trưởng đoàn được một xe cảnh sát, bốn mô tô hộ tống hai bên, nếu đi cả đoàn như những hôm họp ở Kléber thì phải tám mô tô.


Đảng Cộng sản Pháp là tổ chức giúp đỡ đoàn nhiều nhất. Chúng ta chỉ có một số cán bộ bảo vệ từ trong nước sang, còn tất cả các đồng chí bảo vệ khác và cả lái xe đều do Đảng Cộng sản Pháp phái đến giúp đoàn, không công.


Hầu hết thành viên của đoàn là cán bộ chính trị từ nhiều địa phương, nhiều ngành đến, chỉ có một đồng chí quân sự. Chúng tôi làm việc với nhau rất đoàn kết, mọi người chỉ đinh ninh một tâm niệm vì miền Nam ruột thịt, vì những người thân yêu đang chiến đấu ở quê hương, phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Bình Thanh, cô thư ký rất nhạy cảm của tôi thường nói: “Đây là một tập thể yêu thương”. Chúng tôi ít đi chơi, chỉ thỉnh thoảng cả đoàn rủ nhau ra công viên hay vào rừng hái nấm. Bên Massy có hai bàn bóng bàn, chiều nào anh em cũng đánh bóng và chơi bi sắt. Báo chí nước ngoài, nhất là báo Pháp, so sánh đoàn chúng tôi với đoàn Sài Gòn. Lương của họ khá cao, họ có điều kiện đi giải trí nhiều nơi. Có báo viết cơ quan chúng tôi như một “nhà tu”, nam giới không có vợ đi theo, nữ cũng không có chồng đi theo. Chúng tôi sống rất đạm bạc, tiết kiệm.

 

Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt ăn ở của trưởng đoàn “Việt cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng của người phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh, trên gác thượng (mansarde) sát mái, chỉ có hai cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện. Cũng có phóng viên hỏi soi mói: “Bà có phải là đảng viên cộng sản không?”, tôi chỉ mỉm cười trả lời: “Tôi là người yêu nước, Đảng tôi là đảng yêu nước, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước”. Có nhà báo nhận xét: “Tên bà là hòa bình nhưng bà chỉ nói về chiến tranh”. Tôi có thể nói gì khác là lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và nêu rõ ý nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì hòa bình và độc lập, tự do? Phải khẳng định rằng chúng ta không hề muốn có chiến tranh. Chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã buộc nhân dân ta phải đứng lên tự vệ...

 

Đối phương cũng như một số báo chí thường xoáy vào vấn đề có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam không? Chúng tôi được chỉ thị không nói có mà cũng không nói không. Tôi trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược”. Các nhà báo có xoay đi xoay lại thế nào chúng tôi cũng chỉ một mực giữ nguyên cách nói đó, cuối cùng họ cũng đành chịu. Năm 1969, chúng tôi tuyên bố vùng giải phóng chiếm hai phần ba miền Nam.

 

Đến năm 1971, chúng tôi “mở rộng” ra đến ba phần tư. Lúc đó chiến trường quân chủ lực ta có khó khăn, một số phải dạt ra biên giới Campuchia. Địch ném bom khắp nơi, kể cả vùng ngoại ô Sài Gòn. Chúng tôi bàn với nhau để trả lời báo chí: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?”. Lý lẽ này vững vàng, khiến các nhà báo đều gật đầu.


Tôi nhớ nhất một cuộc gặp mặt báo chí trên truyền hình trực tiếp vào giữa năm 1971. Truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Pari và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là Pháp coi như trung lập, khách quan. Khi được mời, tôi có phần ngần ngại, nghĩ mình chỉ có một mình giữa bao nhiêu nhà báo sừng sỏ không quen biết, lại phải tranh luận bằng tiếng Pháp. Đồng chí Dương Đình Thảo, người phát ngôn của đoàn và anh chị em động viên tôi, coi đây là dịp rất tốt để ta giới thiệu trước toàn thế giới lập trường chính nghĩa của ta và vạch âm mưu, tội ác của Mỹ, nên phải hết sức tận dụng. Gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay. Các nhà báo chủ yếu xoay quanh lập trường của Mỹ và Việt Nam tại bàn đàm phán. Tuy hồi hộp tôi vẫn cố gắng bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí của chúng ta muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân, và cũng kiên quyết đến cùng vì tự do độc lập và thống nhất thiêng liêng của đất nước… Kết thúc họp báo tôi thở phào vì đã hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. Đồng chí Xuân Thủy điện thoại khen: “Cô rất dũng cảm”. Nhiều bạn Pháp, nhất là các bạn nữ thì gọi điện hoan hô, coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này.


(Trích hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)

 

Kỳ 4: Căng thẳng

“Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” - Kỳ cuối: Thắng lợi
“Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử” - Kỳ cuối: Thắng lợi

Đến cuối tháng 9/1972, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Đây là thời cơ thuận lợi để ép Mỹ đi vào đàm phán thực chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN