Từ vụ việc nữ học sinh bị đánh hội đồng ngay trong Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên), ông Đặng Hoa Nam cho rằng: “Đây là vụ việc đáng báo động về thiếu hiểu biết pháp luật và đạo đức của học sinh trong trường học. Chúng ta phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giáo dục pháp luật trong học đường bởi những hành vi đó xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của học sinh”.
Theo ông Nam, việc chính quyền huyện Ân Thi sớm họp khẩn và tạm đình chỉ hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, điều chuyển giáo viên chủ nhiệm ngay trong sáng 30/3 là hành động kịp thời theo đúng Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, xử lý nghiêm người đứng đầu chậm trễ không can thiệp vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Ông Nam cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc.
Từ những vụ việc bạo lực học đường gần đây, đặc biệt là qua vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐTBXH đang đề nghị với Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) sớm tổ chức cuộc hội thảo triển khai các biện pháp phòng ngừa bạo lực trong trường học. Trong đó, nhấn mạnh triển khai gấp một số biện pháp như: Tăng cường giáo dục pháp luật cho cả giáo viên lẫn học sinh, đặc biệt là pháp luật về bảo vệ trẻ em; Triển khai tốt tư vấn tâm lý trong học đường; Hình thành mạng lưới có những cơ sở, dịch vụ tâm lý bên ngoài cung cấp cho trường học.
“Để giúp học sinh phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường, sắp tới, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu, truyền bá rộng rãi hơn nữa tổng đài 111 ( Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em) trong hệ thống trường học, bệnh viện hoặc các thiết chế văn hóa để tư vấn cho trẻ em. Riêng trong trường học đều có các áp phích ở sân trường, lớp học để nhận biết và sử dụng phím số 111, nhớ và thuộc như các số điện thoại 113, 114, 115”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.