Cụ bà hơn 90 tuổi thông thạo hai ngoại ngữ

Chúng tôi gặp bà trong một buổi chiều khi Sài Gòn đang hối hả chạy đua với thời gian. Bà khiến tôi ngạc nhiên không chỉ bởi kiến thức sâu rộng về nền văn hóa ở các nước phương Tây, mà còn bởi việc dù đã ngoài 90 nhưng bà vẫn chăm chỉ đến trung tâm ngoại ngữ trau dồi kiến thức.

Bà là Vũ Thị Sửu sống trong căn nhà nhỏ ở phố Sư Vạn Hạnh, thuộc quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi đến, bà đang trầm tư bên khung cửa sổ, hứng ánh nắng làm đèn, xung quanh giống như một thư viện nhỏ với hàng nghìn cuốn sách. Có lẽ, do ở một mình nên bà lấy sách làm bạn, kiến thức làm niềm vui. Con cháu bà hầu hết đã định cư ở nước ngoài.

Học sinh đặc biệt trong lớp học đặc biệt

Lớp của cô Gayle Yvonne Confe ở Trung tâm ngoại ngữ Thông tấn xã Việt Nam là một lớp học đặc biệt. Hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, vị giảng viên mang quốc tịch Mỹ tin rằng, việc giúp cho người Việt giỏi tiếng Anh chính là sứ mệnh mà Chúa đã giao cho cô. Vì niềm tin đó mà năm 1994, cô đã xin nghỉ hẳn việc ở quê hương để sang Việt Nam làm giáo viên ngoại ngữ. Những năm qua, không biết bao lứa học sinh đã được cô Gayle đào tạo. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành phiên dịch viên cao cấp, hoặc chuyên gia làm việc cho các tập đoàn lớn của quốc tế… Tuy nhiên, người mà cô Gayle ấn tượng nhất, trân trọng nhất chính là bà Sửu. Bà học không vì mục đích mưu sinh, chỉ đơn thuần là niềm đam mê và lòng hiếu học.

Trong cả lớp học của cô Gayle Yvonne Confe, bà Vũ Thị Sửu luôn là một học viên chăm chỉ, tích cực.

“Không chỉ tôi mà tất cả học viên đều coi bà Sửu là một tấm gương sáng về ý chí, tinh thần hiếu học. Bà đã học ở lớp của tôi 10 năm và luôn là người đứng đầu trong lớp về kiến thức, và cả nhân cách sống. Dù đã ngoài 90 tuổi, nhưng bà có giọng nói khỏe, khả năng phát âm rất chuẩn. Bà Sửu cũng là một học sinh chăm chỉ nhất mà tôi từng gặp. Chưa bao giờ bà bỏ phí buổi học nào, có ốm bà xin học bù vào ngày khác. Đặc biệt, tất cả các hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, thể thao, giải trí… bà đều tham gia đầy đủ và rất hòa đồng. Có thể khẳng định, bà góp một phần không nhỏ vào sự thành công của lớp học trong những năm qua”, - cô Gayle chia sẻ.

Câu chuyện về bà cụ đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng thông thạo hai ngoại ngữ - Tiếng Anh và tiếng Pháp khiến cho nhiều người dân đất Sài thành khâm phục, đặc biệt là giới trẻ. Không ít người lúc đầu đến với lớp học chỉ để cho vui, thậm chí đã có ý định bỏ giữa chừng do không theo kịp kiến thức. Nhưng sau khi tiếp xúc với bà, họ đã quyết tâm, dành nhiều thời gian hơn cho việc học ngoại ngữ và thành công.

Từ một nhân viên điều dưỡng của trung tâm phục hồi chức năng nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Minh Thư đã trở thành điều phối viên cho một dự án lớn của Úc về đào tạo điều dưỡng cho Việt Nam cũng nhờ vào việc học tốt ngoại ngữ. Chị Thư tâm sự: “Tôi tự hào khi được học cùng lớp với một người đáng tuổi bà nội mình. Điều tuyệt vời là kiến thức về ngoại ngữ của bà luôn luôn đứng đầu lớp. Chúng tôi luôn coi bà là tấm gương lớn, là động lực để phấn đấu”.

Học ngoại ngữ để tìm hiểu văn hóa

Nếu chưa từng được nghe nói, chắc chắn không ai tin bà Sửu đã ngoài 90 tuổi. Dù đôi mắt không còn tinh nhanh, đôi chân đã chậm, nhưng trời phú cho bà vẫn còn giọng nói và tư duy rất khỏe khoắn. Chia sẻ với chúng tôi về việc học ngoại ngữ, bà Sửu hào hứng: “Kiến thức thì vô cùng, học không bao giờ là đủ. Quan trọng là chọn cho mình một lĩnh vực để theo đuổi. Tôi thích nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là nền văn hóa của các nước phương Tây. Nhưng để đọc được sách của họ, mình phải giỏi ngoại ngữ”.

Tấm gương học hỏi của bà Sửu có tác dụng khích lệ rất lớn đối với các bạn trẻ.

Cuộc trò chuyện càng trở nên thú vị hơn khi chúng tôi biết bà Sửu vốn mà một dược sỹ làm việc cho Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt từ thập niên 50 của thế kỷ trước. Nguyên cớ khiến bà luôn là người có giọng phát âm chuẩn nhất lớp học cũng chính vì bà đã từng sống và làm việc ở Pháp và Mỹ hàng chục năm. “Hồi ở bên Mỹ, chúng tôi chỉ biết học tập và làm việc. Nhiều năm liền tôi không gặp được người Việt Nam nào, chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh”, bà Sửu tâm sự.

Thế nhưng, kể từ khi về nước năm 1965, bà ít có cơ hội sử dụng ngoại ngữ, công việc lại bận rộn, nên ngoài 70 tuổi, bà mới có thời gian để thực hiện sở thích của mình. Đó là học ngoại ngữ nâng cao và nghiên cứu văn hóa của các nước phương Tây. Gần hai chục năm học tập, kiến thức của bà về các nền văn hóa trên thế giới không kém gì chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học. Nhà bà trở thành nơi để thi thoảng các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh tìm đến học hỏi, xin ý kiến. Đến nay, dù xa con cháu, sống một mình với người giúp việc nhưng bà Sửu luôn cảm thấy hạnh phúc và yêu đời... Đặc biệt, tinh thần lạc quan giúp cho sức khỏe của bà luôn ổn định.

Dù tuổi đời đã dài gần bằng một thiên niên kỷ, chứng kiến mọi sự đổi thay, thăng trầm của đất nước, nhưng bà vẫn không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt là ngoại ngữ. Bà Sửu khẳng định chắc chắn sẽ học cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi.
Đỗ Bình - Hương Giang
Học ngoại ngữ thứ hai từ nhỏ sẽ thông minh hơn
Học ngoại ngữ thứ hai từ nhỏ sẽ thông minh hơn

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy học ngoại ngữ thứ hai có thể tăng cường trí thông minh của trẻ nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN