Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 9.988 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 6; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.509; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 413 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 2 ca.
Bệnh nhân phi công người Anh đã xuất viện và được về nước
Sáng 11/7, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức lễ xuất viện cho bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh, 43 tuổi) sau 116 ngày điều trị.
Ông Lưu Hoàng Minh, Phó trưởng Đoàn bay 919, cho biết bệnh nhân 91 được về nước bằng máy bay Boeing 787-10, máy bay hiện đại nhất hiện nay, cũng là chiếc mà bệnh nhân đã từng cầm lái.
Đội vận chuyển cấp cứu của Phòng khám gia đình đưa phi công người Anh từ bệnh viện Chợ Rẫy ra sân bay Tân Sơn Nhất để cất cánh bay đi Hà Nội tối 11/7. Bác sĩ Rafi Kot, Tổng giám đốc Phòng khám gia đình, cho biết để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển bệnh nhân về nước, đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy để chốt kế hoạch chuyến đi; đồng thời đã khảo sát máy bay Boeing 787, đảm bảo vị trí bệnh nhân ngồi có thể sắp đặt các thiết bị y tế cần thiết và hỗ trợ chăm sóc y tế liên tục cho bệnh nhân trong suốt chặng bay.
“Đây là ca bệnh phức tạp và có nhiều vấn đề trong điều trị, di chuyển. Chúng tôi đã cố gắng vạch ra tất cả tình huống có thể xảy ra trong chuyến bay để có thể cho bệnh nhân về nước an toàn”, bác sĩ Rafi Kot cho biết thêm.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong số 369 bệnh nhân mắc COVID-19, bệnh nhân 91 là ca bệnh nặng nhất và có thời gian điều trị lâu nhất. Sau 5 lần xét nghiệm nuôi cấy không còn virus SARS-CoV-2, bệnh nhân đã được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh sang Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trong giai đoạn điều trị, có những lúc các y bác sĩ đã phải đưa ra phương án ghép phổi, ghép thận cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã có những hồi phục ngoạn mục và không cần phải thực hiện đến phương án này mà chuyển sang giai đoạn phục hồi chức năng kiểm soát nhiễm khuẩn.
Có mặt trong ngày bệnh nhân 91 xuất viện, ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP Hồ Chí Minh khẳng định, hành trình cứu sống bệnh nhân 91 là sự nỗ lực của ngành y tế, của Chính phủ Việt Nam. “Tôi rất ấn tượng với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế, Chính phủ Việt Nam. Không chỉ bệnh nhân 91 mà có rất nhiều công dân Anh được ngành y tế điều trị hết bệnh và họ đều tỏ lòng biết ơn Việt Nam”, ông Ian Gibbons chia sẻ.
Nam phi công người Anh là trường hợp mắc COVID-19 nặng nhất và có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Nam phi công có tổng thời gian 116 ngày điều trị sau khi dương tính virus SARS-CoV-2, gồm 65 ngày chữa COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và 51 ngày hồi sức tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Truy tìm 4 người nước ngoài trốn khỏi khu cách ly
Sáng 11/7, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh phát thông báo truy tìm 4 người nước ngoài trốn khỏi khu cách ly y tế phòng ngừa dịch COVID-19.
Qua trích xuất dữ liệu camera, 4 người gồm: Ying Ya Qiang, sinh năm 1997, Qian Ski Cai sinh năm 1995 (không có giấy tờ), Dai Shu Qian, sinh năm 1987, Wang Yu Xiuan sinh năm 1994. Những người này lén lút leo tường rào vào lúc 0 giờ 54 phút đến 0 giờ 59 phút ngày 11/7 tại khu cách ly Trường Trung cấp Kỹ thuật Kinh tế Tây Ninh (xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Một trong 4 người có bạn gái là người Việt Nam ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cô gái này thuê xe cho 4 người kể trên bỏ trốn.
Được biết, 4 người nước ngoài này qua Việt Nam từ ngày 5/7/2020, qua cửa khẩu Móng Cái, đi xe khách đến huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Đến khu vực ấp Phước Hội A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu thì bị người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Kinh tế Tây Ninh.
Hành vi bỏ trốn khỏi khu cách ly y tế của 4 người nước ngoài trên và sự tiếp tay của cô gái Việt Nam thật đáng lên án, gây gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh từ bên ngoài vào nước ta, đi ngược với những nỗ lực và cố gắng duy trì, bảo vệ môi trường an toàn của các lực lượng và nhân dân cả nước nhiều tháng qua. Hành vi này cần được xử lý nghiêm.
Theo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, tính đến 15 giờ ngày 10/7/2020 toàn tỉnh còn cách ly tại cơ sở y tế 64 người, cách ly tập trung 328 người, trong đó cách ly tại khu cách cách ly của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (K71) 174 người, cách ly tại Ký túc xá Trường Trung cấp Kỹ Thuật Kinh tế Tây Ninh 78 người, cách ly tại khu Siêu thị miễn thuế Thế Kỷ Vàng 63 người, khách sạn Anh Thư 13 người.
Đa số các trường hợp cách ly là người Việt Nam nhập cảnh về qua 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.
Đưa trên 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước an toàn
Ngày 11/7, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và hãng Hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Singapore đưa trên 240 công dân Việt Nam từ Singapore về nước.
Các công dân gồm trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, người cao tuổi, người ốm đau, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, người đi du lịch và quá cảnh từ các nước khác bị kẹt lại.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng Hàng không Vietjet đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước, đáp ứng nhu cầu của công dân Việt Nam ở nước ngoài và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.