'Công tác dân vận hướng về cơ sở' - Bài 1: Quân với dân một ý chí

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ gắn bó "máu thịt" giữa Đảng với nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên nhân dân tham gia sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ hải quân công tác trên huyện đảo Trường Sa hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho ngư dân Bình Thuận. Ảnh: TTXVN phát

Kế thừa và vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận được tăng cường, tiếp tục đổi mới, gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu; quan tâm phát huy quyền làm chủ và lợi ích thiết thực của nhân dân.

Với nhiều kết quả quan trọng, nổi bật ngành Dân vận trong năm 2023, phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết: “Công tác dân vận hướng về cơ sở” nhằm khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân vận, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bài 1: Quân với dân một ý chí

Thực hiện phương châm hướng mạnh về cơ sở, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt, các cơ quan, đơn vị lực lượng Quân đội nhân dân đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhiều ấn tượng tốt đẹp

Triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trên địa bàn các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và ngư dân hoạt động trên ngư trường Trường Sa, mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân từ đất liền đến hải đảo.

Tiêu biểu, thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã tuyên truyền cho gần 1.800 lượt ngư dân về Luật Biển Việt Nam; tặng ngư dân có hoàn cảnh khó khăn 60 suất quà (tổng trị giá 60 triệu); tặng con ngư dân nghèo, học giỏi 20 chiếc xe đạp (tổng trị giá 40 triệu); tư vấn chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho 440 ngư dân; tặng 400 áo phao, 300 phao tròn, 1.900 cờ Tổ quốc, 2.000 tờ rơi tuyên truyền biển đảo, trồng 50 cây dừa...

Vào thời điểm thời tiết xấu, có mưa bão, các đơn vị Hải quân cùng chính quyền huyện Trường Sa phối hợp hướng dẫn gần 10.500 lượt tàu cá ngư dân ra, vào các âu tàu, lòng hồ, tránh trú bão; hỗ trợ cấp cứu cho 119 trường hợp ngư dân, với tổng số tiền cấp phát thuốc, điều trị, cấp cứu trên 163 triệu đồng; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được 12 lượt tàu/28 ngư dân gặp nạn trên biển, bàn giao cho các địa phương...

Đại tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và triển khai các hoạt động dân vận, hướng tới giúp đỡ cho người dân và ngư dân đang đánh bắt thủy sản trên biển. Bên cạnh đó, đơn vị tham gia có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương, xây dựng địa bàn, đơn vị an toàn. 

Trong thời gian tới, đơn vị tăng cường giáo dục và rèn luyện, nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp, tác phong, kinh nghiệm công tác dân vận trong tình hình mới cho cán bộ, chiến sỹ; giữ nghiêm kỷ luật quan hệ quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.

Tương tự, Công an tỉnh Bắc Kạn đang duy trì thực hiện 42 mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó có 38 mô hình tập thể và 4 mô hình cá nhân. Nhiều mô hình được Đảng ủy Công an tỉnh công nhận là mô hình điển hình như: “Xây dựng chuẩn mực nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; “Khéo tuyên truyền vận động phát huy khối đại đoàn kết dân tộc đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn”; “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác Công an, tăng cường tương tác với nhân dân qua internet và mạng xã hội”… Các mô hình được xây dựng có nội dung, ý nghĩa thiết thực, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Bên cạnh việc xây dựng và duy trì mô hình “Dân vận khéo”, các hoạt động xã hội từ thiện, xây dựng nông thôn mới, “nhường cơm sẻ áo” với đồng bào còn khó khăn được tổ chức thực hiện có hiệu quả gắn với công tác chuyên môn cũng như phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nổi bật như hoạt động giúp đỡ xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm xây dựng nông thôn mới; các chiến dịch tình nguyện của tổ chức Đoàn Thanh niên; Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ trẻ mồ côi, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường của Hội Phụ nữ Công an tỉnh... đã tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, tạo sức lan tỏa rộng khắp.

Từ việc xác định đúng vai trò quan trọng của công tác dân vận đến triển khai thực hiện các mặt công tác trong từng giai đoạn, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng nhận thức cho đảng viên, cán bộ chiến sĩ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác dân vận, tạo được hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang

Chú thích ảnh
Bộ đội biên phòng Cát Bà (Hải Phòng) phổ biến chính sách cho người dân tham gia mô hình tổ tàu thuyền đoàn kết trên vịnh Cái Bèo. Ảnh tư liệu: Lâm Khánh/TTXVN

Năm 2023, công tác phối hợp giữa Ban Dân vận Trung ương với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Công an tiếp tục duy trì và triển khai khá đồng bộ, toàn diện, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và từng địa phương. Các cơ quan đã thường xuyên trao đổi thông tin, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thông qua thực hiện chương trình phối hợp đã vận động nhân dân tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua; nâng cao khả năng phối hợp giải quyết vụ việc từ cơ sở, nhất là trên địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; chủ động, tích cực trong phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố, dịch bệnh; nâng cao đời sống nhân dân gắn với củng cố quốc phòng an ninh vững chắc; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia làm công tác dân vận.

Công tác dân vận của lực lượng vũ trang được thực hiện tốt, huy động được sức mạnh tổng hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang trong tình hình mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng khẳng định, phối hợp thực hiện công tác dân vận với lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong thực hiện công tác dân vận của Đảng; đồng thời thúc đẩy gắn kết, góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị.

Với kết quả thực tiễn triển khai, chương trình phối hợp là chủ trương đúng đắn, góp phần đổi mới phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp trong thời gian tới, ông Phạm Tất Thắng đề nghị các cơ quan tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về thực hiện công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sỹ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang; tăng cường tổ chức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về công tác dân vận.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các chủ trương, giải pháp mới về công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn để phát huy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường phối hợp nắm chắc tình hình nhân dân, dân tộc, tôn giáo, tâm tư, nguyện vọng chính đáng và bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng” gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhấn mạnh tính chủ động phối hợp trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, ông Phạm Tất Thắng yêu cầu nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác cải cách hành chính cũng như đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận…

Bài cuối: Lan tỏa hiệu quả mô hình 'Dân vận khéo'

Diệp Trương (TTXVN)
Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong công tác dân vận
Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong công tác dân vận

Sáng 10/1, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Công an và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN