Bà Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho biết: Nhằm thể chế hoá quan điểm của Đảng về thực hành dân chủ ở cơ sở, đồng thời khắc phục hạn chế bất cập của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật này có 6 chương và 91điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2023.
Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia và thực hiện dân chủ ở cơ sở, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn “Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở” trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
Tại toạ đàm, các đại biểu đã góp ý về phạm vi điều chỉnh về nội dung tổ chức, hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, quy định cán bộ công chức được bàn và tham gia các câu lạc bộ, tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Đoàn Luật sư…), tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp (Hội Luật gia, hội Nhà báo Việt Nam…), tổ chức xã hội (Hội Người mù Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam…)...
Bên cạnh đó là các hình thức tham gia ý kiến qua nền tảng mạng xã hội Zalo, facebook, app do cơ quan thiết lập, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Từ các ý kiến đóng góp trên, Công đoàn Viên chức Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.