Một kiến nghị lớn của Công đoàn Viên chức Việt Nam là giải quyết nhà ở cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Lý do vì sao đoàn viên lại có kiến nghị này, thưa ông?
Tôi cho rằng điều kiện nhà ở xã hội cho công chức, viên chức hiện nay là rất lớn. Nhiều cán bộ công chức, viên chức còn phải thuê nhà. Một bộ phận vẫn phải ở trong những ngôi nhà còn xập xệ, còn chưa đủ điều kiện tổ chức sinh hoạt gia đình.
Vì vậy, bên cạnh kiến nghị về cải cách tiền lương, đoàn viên công đoàn viên chức còn kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương có được quỹ đất để xây nhà cho cán bộ, đoàn viên.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của nhiều đoàn viên lao động, trong đó có một bộ phận lớn là đoàn viên trẻ, chúng tôi kiến nghị với Đảng, Nhà nước bên cạnh quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân thì cũng cần quan tâm xây dựng nhà ở xã hội cho công chức, viên chức, nhất là ở các đô thị.
Để đảm bảo về nhà ở xã hội cho đoàn viên, công chức, viên chức, theo ông, cần thực hiện giải pháp nào?
Để thực hiện xây nhà ở xã hội cho đoàn viên, công nhân cần có các giải pháp cụ thể. Để đặt ra được các tiêu chuẩn điều kiện hỗ trợ nhà ở xã hội cần căn cứ vào 2 dữ liệu: Thứ nhất là nhu cầu đoàn viên người lao động, từ thực tế đời sống của họ; thứ 2 là khả năng đáp ứng của Nhà nước, doanh nghiệp. Cung - cầu phải giải quyết thỏa đáng thì chúng ta mới tìm được điểm chung để xác định tiêu chuẩn hỗ trợ nhà ở xã hội cho đoàn viên, công chức, viên chức.
Khi nguồn cung lớn, chúng ta phải hạ tiêu chuẩn, khi nguồn cung chưa nhiều thì chúng ta phải đòi hỏi khắt khe hơn. Vấn đề được đặt ra là cần tìm giải pháp để thúc đẩy công chức, viên chức, nhất là đoàn viên trẻ ở các tỉnh xa về Hà Nội và các tỉnh thành phố lớn có nhà ở. Điều này sẽ giúp cho họ yên tâm công tác, gắn bó với việc làm khu vực công - đang là vấn đề rất nóng hiện nay. Trong rất nhiều công chức viên chức rời khỏi khu vực công có người rời khỏi là do đời sống khó khăn, phải dành khoản tiền không nhỏ để đi thuê nhà. Khi đó, họ sẽ lựa chọn tới một khu vực có thu nhập cao hơn để giải quyết nhu cầu nhà ở.
Khi giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội cho công chức, viên chức, tôi nghĩ đây cũng là cách để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, tăng cường sự liêm chính cho công chức, viên chức.
Theo ông, có giải pháp nào để tạo sự công bằng khi xét duyệt nhà ở xã hội?
Tôi cho rằng mọi đối tượng đều có lý do khác nhau để có thể tiếp cận những chính sách phù hợp. Nếu sòng phẳng thì không ít công nhân có lương cao hơn công chức, viên chức. Thực tế, chúng ta cũng hiểu nỗi vất vả của không ít công nhân. Tương tự với công chức, viên chức cũng có rất nhiều áp lực trong công việc. Thật khó để tìm một giải pháp cào bằng, nhưng chúng ta cần phải thiết kế chính sách phù hợp với từng đối tượng để vừa giải quyết được nhu cầu về nhà ở và mong muốn của họ nhưng bản thân của họ cũng như một biểu tượng về sự công bằng để các đối tượng cùng nhau phát triển.
Một số đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ xảy ra tham nhũng khi chúng ta xây dựng nhà ở xã hội. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
Tôi cho rằng tham nhũng hay không phụ thuộc vào cách thức chúng ta quản lý và pháp luật có quản lý chặt chẽ hay không. Bất kỳ một lĩnh vực nào nếu chúng ta không quản lý tốt, không trách nhiệm, không có liêm chính của cán bộ thì ở đó đều có tham nhũng.
Vấn đề là phải thiết kế chính sách chặt chẽ, khoa học, nhưng chặt chẽ không có nghĩa phải triệt tiêu động lực, không phải hành lang để khơi thông nguồn lực. Chặt chẽ ở đây chính là tạo điều kiện cho sự sáng tạo, phát triển, không có chỗ cho sự lợi dụng.
Nếu chúng ta thiết kế tốt chính sách, cộng với đội ngũ tổ chức thực thi tốt, thì nếu không muốn nói tham nhũng là không có nhưng ít ra cũng có thể giảm thiểu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!