Công đoàn đồng hành bảo vệ quyền lợi người lao động - Bài cuối: Khẳng định vị trí, vai trò trong tình hình mới

Thời gian tới, pháp luật lao động, pháp luật Công đoàn tiếp tục được hoàn thiện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn. Do đó, các cấp Công đoàn cần khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức để đồng hành bảo vệ quyền lợi người lao động trong tình hình mới.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong một công ty tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 dự kiến cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá, trong đó đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Theo Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thu nhập của người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái... Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt, đồng thời cho biết: Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cần thiết. Công đoàn đề xuất mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 ở mức 5 - 6% là để bù đắp chỉ số trượt giá và để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động.

“Tuy nhiên, trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu, khả năng chi trả của doanh nghiệp rất quan trọng. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.

Xem xét ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia ông Hoàng Quang Phòng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải gồng mình để duy trì việc làm, do đó, điều chỉnh lương ngay lúc này không thể mà phải có lộ trình dài trong thời gian tới.

Phần lớn người lao động mong muốn tăng lương vào đầu năm sau. Song tăng mức bao nhiêu, trong quá trình thương lượng các bên sẽ bàn thảo trên tinh thần thiện chí, chia sẻ.

Đối với địa phương, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý, Công đoàn tỉnh luôn nâng cao vai trò đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của đoàn viên, người lao động góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Như Ý, khi xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể, các cấp Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện, thành phố đến các doanh nghiệp hỗ trợ, thực hiện nhiều giải pháp đối thoại với người sử dụng lao động, tuyên truyền pháp luật đối với tập thể người lao động để tìm ra các giải pháp ổn định quan hệ lao động. Nhờ đó, nhiều cuộc ngừng việc tập thể được giải quyết, người lao động trở lại làm việc bình thường, không gây nên tình hình phức tạp tại các địa phương, đơn vị.

Chủ tịch Công đoàn tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, các cấp Công đoàn chủ động tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền đồng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối thoại tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ Công đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức đối thoại, cũng như kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, đề xuất chính đáng, trọng tâm là việc làm, tiền lương, đảm bảo hài hòa quyền lợi của số đông đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động.

Công đoàn Sóc Trăng còn tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đưa vào thỏa ước nhiều nội dung có lợi cho người lao động so với quy định của pháp luật; đổi mới, đa dạng hình thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu quả của công tác tư vấn về chính sách, pháp luật cho người lao động, kết hợp nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hỗ trợ người lao động về pháp luật.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết: “Các cấp Công đoàn Bình Dương luôn chia sẻ, đồng hành cùng đoàn viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh rất mong đoàn viên, người lao động cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có duy trì được sản xuất, kinh doanh, người lao động mới có việc làm, thu nhập ổn định. Khi gặp khó khăn, phát sinh vấn đề, doanh nghiệp nên chủ động đối thoại, thông tin sớm cho đoàn viên, người lao động. Tổ chức Công đoàn luôn sẵn sàng làm cầu nối để giúp người lao động, doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định”.

Để nâng cao chất lượng thương lượng tập thể, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, cần ban hành quy định xác định quyền ưu tiên đại diện người lao động thương lượng tập thể và quy định người sử dụng lao động, đồng thời Công đoàn cần có thiện chí khi thương lượng tập thể. Công đoàn cần phải xem đối thoại và thương lượng tập thể với người sử dụng lao động là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhất, là mặt trận hàng đầu cần thực hiện hiệu quả để thu hút, duy trì số lượng đoàn viên trong những năm tới.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hoà nhấn mạnh, Công đoàn trong các doanh nghiệp cần được hướng dẫn và đào tạo hàng năm hoặc 6 tháng/lần về thương lượng tập thể. Công đoàn cấp trên cần lắng nghe công tác chuẩn bị của Công đoàn cơ sở cho buổi thương lượng tập thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho Công đoàn cơ sở và góp ý về nội dung, phương án đề xuất của Công đoàn cơ sở. Công đoàn trong doanh nghiệp cần phát huy, nhân rộng mô hình đối thoại xã hội nhóm doanh nghiệp theo địa bàn, ngành nghề và thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật.

Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan, phong trào thi đua yêu nước có nhiều chuyển biến tích cực, với mục tiêu hướng đến là động viên công nhân, viên chức, lao động năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua trong công tác, lao động, sản xuất cũng như phát hiện, lựa chọn, tuyên dương, tôn vinh, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến thông qua các hoạt động. Việc bình xét khen thưởng theo hướng cụ thể, trọng tâm, lượng hóa được thành tích, định lượng được tiêu chuẩn, bảo đảm khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, tập trung cho người lao động trực tiếp. Trong đó, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là trọng tâm gắn với các phong trào thi đua khác của tổ chức Công đoàn và các phong trào thi đua do Trung ương, địa phương phát động.

Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, phong trào tập trung hướng vào việc phát huy tiềm năng, tính sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ông Lê Văn Hòa khẳng định, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào thi đua trọng tâm trong công nhân, viên chức, người lao động. Phong trào được tập trung đẩy mạnh, triển khai tới từng đơn vị, doanh nghiệp đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến của người lao động. Ở các doanh nghiệp, phong trào đã tạo khí thế thi đua lao động sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Các phong trào thi đua không chỉ dừng lại ở sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong doanh nghiệp, còn lan tỏa rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề với nhiều nội dung phong phú, sát thực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, cơ sở.

Đối với Đồng Nai, để phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Nguyễn Văn Quí cho rằng, cần kịp thời ghi nhận nỗ lực của đoàn viên, công nhân lao động. Việc duy trì hoạt động tuyên dương, khen thưởng đoàn viên tiêu biểu hàng năm sẽ tạo động lực thúc đẩy đoàn viên, công nhân lao động tiếp tục phát huy những kết quả đạt được cũng như tích cực nâng cao tay nghề, sáng tạo trong sản xuất và gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững.

Xây dựng nhà ở xã hội

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, các dự án nhà ở xã hội sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, nâng cao chất lượng, điều kiện sống ổn định cho người lao động, Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu nêu trên, Bình Dương đã xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Dương phát triển thêm 18.000 căn nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động. Tỉnh đang rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100ha để đôn đốc chủ đầu tư triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ để người lao động có cơ hội tiếp cận với nhà ở, từ đó họ mới an cư lạc nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 xây được 35.000 căn (có 4.500 căn là nhà lưu trú công nhân), giai đoạn 2026 - 2030 xây khoảng 58.000 căn (8.000 căn là nhà lưu trú công nhân). Tuy nhiên, số lượng khoảng 100.000 căn được xây dựng đến năm 2030 cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân, do đó, Thành phố đang riển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, cấp giấy phép đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tăng nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại các địa phương, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đôn đốc các tỉnh, thành phố đẩy nhanh việc triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời, Bộ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở. Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn, phối hợp với các địa phương rà soát, lập và công bố danh mục các chủ dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại… 

Nhật Bình (TTXVN)
Xây dựng hệ thống Công đoàn vững mạnh toàn diện, hướng đến người lao động
Xây dựng hệ thống Công đoàn vững mạnh toàn diện, hướng đến người lao động

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với chủ đề “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” sẽ diễn ra từ 1 - 3/12, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN