Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo không đầu tư chứng khoán qua các công ty quản lý quỹ ‘ảo’

Ngày 16/1, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, không tham gia đầu tư, mua bán chứng khoán qua các công ty quản lý quỹ ảo, website, ứng dụng đầu tư chứng khoán ảo với lợi nhuận cao, hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Cụ thể, các đối tượng liên tục thực hiện các cuộc gọi đến người dân tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán có tên tuổi như Vndirect, SSI... mời chào người dân tham gia các hội, nhóm khóa học đầu tư chứng khoán với mục đích dụ dỗ tham gia đầu tư chứng khoán. 

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng gửi các đường link lạ trên ứng dụng Telegram để chiếm quyền sử dụng tài khoản Telegram của nạn nhân, từ đó sử dụng chính các tài khoản đó để mời gọi, thêm các tài khoản trong danh sách bạn bè của nạn nhân tham gia vào các hội nhóm. Khi nạn nhân đã tham gia vào các hội nhóm, các đối tượng không mời chào tham gia đầu tư mà chỉ đưa ra thông tin về tình hình hoạt động thị trường chứng khoán, tình hình cổ phiếu, các mã chứng khoán có tiềm năng nhằm tăng sự tin tưởng của các nạn nhân trước khi dẫn dụ. 

Cuối ngày, một vài tài khoản đưa lên nhóm những kết quả giao dịch cổ phiếu lời cao và được giải thích do đầu tư chứng khoán thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài, được vay Margin lãi suất thấp, có nhiều ưu đãi hoặc đầu tư chứng khoán dưới hình thức “Copytrade” với lời giới thiệu đầu tư chứng khoán không cần kiến thức về chứng khoán, nhà đầu tư chỉ cần chuyển tiền, nạp vào tài khoản rồi ủy thác đầu tư cho các đối tượng.

Sau khi đã dụ dỗ được các nạn nhân, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các đường link website, hoặc cài các app ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp. Nhằm tạo niềm tin, các đối tượng giải thích đây là hoạt động đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài có tên tuổi, được các công ty quản lý quỹ uy tín bảo lãnh và được Uỷ ban chứng khoán nhà nước chấp thuận hoạt động, đồng thời cung cấp cho nạn nhân các thông tin gồm có: Giấy chứng, nhận thành lập quỹ đầu tư chứng khoán do Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp; giấy phép kinh doanh hoạt động; các giấy tờ pháp lý và tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty; quỹ đầu tư; công ty quản lý quỹ đứng ra bảo lãnh.

Những giấy tờ này, nhà đầu tư có thể tìm hiểu trên mạng internet, tuy nhiên lượng thông tin rất hạn chế, hoặc chủ yếu là các tài liệu có nguồn gốc nước ngoài. Với lời hứa hẹn chiết khấu từ 10% - 20% khi đầu tư cổ phiếu thông qua các quỹ đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư đã tin và quyết định đầu tư chứng khoán thông qua các kênh, các ứng dụng mà các đối tượng đưa ra. Đặc biệt, nhằm tăng sự tin tưởng của nạn nhân, các đối tượng đã sử dụng tài khoản ngân hàng doanh nghiệp được đăng ký trùng với tên các quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài có tên tuổi, hoặc các công ty quản lý quỹ. 

Hiện đã có nhiều nạn nhân tin vào những hứa hẹn của các đối tượng. Trong một số phiên giao dịch đầu tiên, bằng thủ đoạn tạo các giao dịch ảo trên website và app ứng dụng do các đối tượng cung cấp, tài khoản của nạn nhân liên tục có lợi nhuận, thậm chí lợi nhuận gấp nhiều lần số tiền đã nạp. Khi có nạn nhân muốn rút tiền khỏi tài khoản, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm mọi cách để dụ dỗ khách hàng nạp thêm tiền với lý do để đủ điều kiện rút tiền ra, hoặc cố tình thực hiện các thao tác để các giao dịch ủy thác đầu tư của khách hàng báo lỗ liên tục, khiến cho nạn nhân không thể rút tiền khỏi tài khoản. Khi nạn nhân phát hiện bị lừa đảo thì các đối tượng xoá tài khoản, cho nạn nhân ra khỏi các hội, nhóm trên mạng xã hội và chặn liên lạc.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không tham gia đầu tư, mua bán chứng khoán qua các công ty quản lý quỹ ảo, website, ứng dụng đầu tư chứng khoán ảo với lợi nhuận cao, hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn, bởi đó chính là những cái bẫy được giăng ra nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

HP/ Báo Tin tức
Tránh 'sập bẫy' lừa đảo sử dụng AI
Tránh 'sập bẫy' lừa đảo sử dụng AI

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay số người dùng Facebook cũng như Zalo đều chiếm tới hơn 76 triệu người dùng tại Việt Nam (chiếm gần 70% dân số), ngoài ra còn có một số mạng xã hội khác. Các mạng xã hội này cũng là không gian dễ bị các đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN