Theo thoả thuận hợp tác, hai đơn vị sẽ hợp tác triển khai 8 nội dung gồm: Hướng dẫn người dân thực hiện DVC/DVC trực tuyến (DVCTT) tại các điểm phục vụ của Bưu điện; hợp tác triển khai mô hình sàn giao dịch nông sản để thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản, sản vật địa phương; BĐVN là đầu mối triển khai nhiệm vụ chi trả an sinh xã hội (ASXH); phối hợp triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI); phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; hai bên nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của BĐVN vào cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư quốc gia để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ khác và các hoạt động khác của Cục Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, phổ cập kỹ năng số đối với các tiện ích, dịch vụ liên quan đến dân cư cho công dân; tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ và đăng ký, sử dụng định danh điện tử trong các giao dịch hành chính, chứng minh nhân thân, DVC; triển khai kết nối hệ thống dịch vụ thanh toán trực tuyến trên hệ thống cổng DVC; các hoạt động hợp tác khác phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bên tùy theo từng thời kỳ cụ thể.
Hai bên hợp tác nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả tận dụng lợi thế mỗi bên để thực hiện cải cách TTHC, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp (DN) trong thực hiện TTHC.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết: “Sau ký kết hôm nay, trên 13.000 điểm giao dịch của BĐVN và 11.000 điểm Công an cấp xã sẽ phối hợp cùng nhau để trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản trong quá trình tạo lập dịch vụ của mình trên môi trường công nghệ. Người dân cũng được tiếp cận DVC dễ dàng nhất, mang lại những giá trị con số tăng trưởng hơn trước khi triển khai Đề án 06”.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết với sứ mệnh được Chính phủ giao, sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, Tổng Công ty BĐVN đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích BCCI với 143 triệu lượt người dân, DN được phục vụ trên toàn quốc với gần 7.000 điểm phục vụ của bưu điện và tại địa chỉ theo yêu cầu của người dân, DN.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam kết nối với Cổng DVC quốc gia; kết nối với 15 Bộ ngành và 63/63 Cổng DVC tỉnh thành nhằm phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; trong đó Tổng Công ty BĐVN đã phát triển Hệ thống định danh xác thực điện tử PostID để kết nối vào Cổng DVC quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ, ngành và Cổng DVC cấp tỉnh với tổng 500.000 lượt đăng ký của người dân.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với 40 tỉnh, thành và bố trí 422 nhân viên bưu điện thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thay cho cán bộ, công chức tại Bộ phận Một cửa/Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó giúp Bộ phận Một cửa/Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh tăng năng suất lao động, giảm nhân lực, tiết kiệm chi phí, nâng cao chỉ số cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam còn thử nghiệm và bước đầu mở thành công 217.961 tài khoản thanh toán cho đối tượng hưởng an sinh xã hội theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua Bưu điện; thực hiện quản lý trên 1.5 triệu hộ kinh doanh với số tiền thuế đã nộp Ngân sách Nhà nước trung bình mỗi năm trên 5.000 tỷ đồng.