Con đường của sự đổi mới

Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay người dân ở 3 xã Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Tiến (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đang tràn đầy niềm vui khi được đi trên con đường lớn làm bằng bê tông. Con đường đã thúc đẩy giao thương hàng hóa và làm thay đổi diện mạo ở các vùng nông thôn nghèo có đông đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.


Dân cư ở U Minh Hạ sống phân tán nên mọi sự đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện, sự giúp đỡ tận tình của các sở, ban, ngành, đoàn thể, hệ thống giao thông nông thôn ở huyện U Minh không ngừng phát triển. Hiện nay, huyện U Minh đã có nhiều tuyến giao thông được làm bằng bê tông sạch đẹp ở hầu hết các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế của người dân.


Đường bê tông từ xã Khánh Lâm đi qua xã Khánh Hòa và xã Khánh Tiến (huyện U Minh) vừa mới được đưa vào sử dụng.


Tuyến đường bê tông từ Khánh Lâm đi qua xã Khánh Hòa và xã Khánh Tiến với chiều dài trên 10 km, rộng 4 m là một minh chứng. Ông Danh Sem ở ấp 6, xã Khánh Hòa, phấn khởi: “Ngày trước, khi chưa có lộ bêtông, mỗi khi đi chợ xã, chúng tôi phải tốn trên 100.000 đồng để bao đò dọc đi lại và mất thời gian cả ngày trời. Từ khi có lộ bê tông, đến nay việc đi lại của chúng tôi thuận tiện hơn, tốn ít thời gian và cả chi phí nữa”. Còn anh Nguyễn Văn Nam ở ấp 5, xã Khánh Tiến thì: “Vui lắm chú ạ, ngoài việc trồng hoa màu, gia đình tôi còn sắm xe đẩy, để mua hoa màu của bà con đem sang cho các sạp ở chợ xã”.


Hiện nay, chính quyền địa phương đang có chính sách thu hút đầu tư làm đường giao thông nông thôn nhằm tạo điều kiện để người dân đi lại giao thương phát triển kinh tế.


Cùng với xây dựng lộ nông thôn, ý thức bảo quản những công trình phúc lợi, dân sinh cũng được người dân nơi đây coi trọng. Ông Ngô Trường Vũ, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa, cho biết: “Có những con đường mới được bê tông hóa chưa lâu thì phải đối mặt với việc sạt lở, thế là người dân phải phối hợp với Nhà nước làm bờ kè chống xói lở”.


Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân đã đề xuất làm lộ bê tông nông thôn với hình thức Nhà nước 70% và người dân 30%. Song song với việc bê tông hóa giao thông nông thôn, các xã huy động tốt lực lượng trong dân tích cực tham gia các phong trào làm lộ đất đen. Mỗi xã, ấp chọn một công trình thiết thực, trong quá trình xây dựng, các cấp lãnh đạo của địa phương luôn quan tâm đến những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để có những chính sách hỗ trợ cho công tác xây dựng tốt hơn, điển hình như xã Khánh Hòa, Khánh Lâm...


Huyện U Minh đang có chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án dọc theo tuyến đường trọng điểm từ các xã đến huyện. Ngoài ra, UBND huyện đang xem xét đầu tư nhiều tuyến đường đấu nối ra lộ lớn tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế. Với những thành công bước đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn, trong tương lai không xa, nếu ai đó có về huyện U Minh sẽ không còn ái ngại của sự cách trở đi lại. Đây còn là tiền đề để huyện “sông nước” này được đổi mới và phát triển một cách căn cơ bền vững.



Bài và ảnh:Xuân Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN