Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Hiện nay, tiền thưởng Tết không phải là bắt buộc, chỉ có quy định về nguyên tắc thưởng phần năng suất lao động tăng thêm. Thưởng Tết phụ thuộc vào khả năng doanh nghiệp và đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Nếu doanh nghiệp làm ăn phát đạt, tiền thưởng Tết có ỹ nghĩa là tạo ra động lực cho người lao động tích cực làm việc”.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, việc chia tiền thưởng theo năng suất lao động tăng thêm là đương nhiên phải có. Còn tiền thưởng từ phúc lợi tập thể, hiệu quả kinh tế (trong đó có thưởng Tết) đang đưa vào thỏa ước lao động tập thể dựa trên thương lượng giữa chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động. Qua khảo sát, các doanh nghiệp vẫn thưởng Tết bởi đó là động lực để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
“Từ việc lấy ý kiến các bên trong quá trình sửa đổi đổi Luật, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu đưa vào Luật Lao động sửa đổi ở mức độ nào. Theo quan điểm của tôi đưa quy định thưởng Tết vào Luật về mặt nguyên tắc và cách thức để chủ lao động quan tâm và người lao động có động lực”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng: Thực tế các doanh nghiệp cũng thực hiện việc thưởng Tết, còn quy định trong luật hiện hành chỉ ghi chung là tiền thưởng. Theo tôi vẫn nên quy định cụ thể tiền thưởng Tết và tiền ăn ca vào Luật Lao động sửa đổi đợt này. Trong nguyên tắc sửa đổi Luật có quan điểm những vấn đề đã chứng minh trong thực tiễn và đã được áp dụng thì nên quy định vào Luật. Thực tế thưởng Tết nhiều đơn vị đã áp dụng thì nên đưa vào quy định trong Luật.
“Qua giám sát, kiểm tra hàng năm của các cấp công đoàn, hơn 90% DN là có thưởng Tết, vấn đề là thưởng nhiều hay ít. Chỉ có một số trường hợp doanh nghiệp khó khăn là bất khả kháng không có thưởng Tết”, ông Lê Đình Quảng cho biết.
Thống kê của Bộ Lao động ,Thương binh & Xã hội, về tiền thưởng Tết mấy năm gần đây cho thấy, bên cạnh những mức thưởng lên tới cả tỉ đồng cho một số cá nhân, đa phần có thưởng Tết tương đương một tháng lương, hay còn gọi là tháng lương thứ 13. Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên không có thưởng Tết hoặc thưởng lấy lệ với mức thưởng 20.000- 50.000 đồng hoặc thường bằng chính sản phẩm do không bán được.
Theo lộ trình, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).