Cơ hội xuất khẩu lao động vẫn rộng mở

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), mặc dù thị trường lao động thế giới chưa có nhiều khởi sắc, nhưng công tác xuất khẩu lao động ba tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong nước vẫn đạt được kết quả khả quan, đặc biệt là với những thị trường truyền thống. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến cáo, người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc cần tìm hiểu thông tin thật kỹ để tránh bị lừa.

Nỗ lực giữ thị trường trọng điểm


Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong tháng 3, các doanh nghiệp đưa được 6.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, có 2.800 lao động sang Đài Loan (Trung Quốc), 722 lao động sang Nhật Bản, 389 lao động sang Hàn Quốc, 812 lao động sang Malaixia... Tổng cộng, trong quý I, các doanh nghiệp đã đưa được tổng cộng 18.766 lao động ra nước ngoài làm việc.

Lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: CTV


Song song với đó, việc Libi tiếp nhận lao động Việt Nam trở lại cũng là tín hiệu tốt với thị trường lao động Việt Nam. Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, năm 2013, cả nước phấn đấu đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và củng cố các thị trường trọng điểm. Theo đó, đứng đầu danh sách các thị trường trọng điểm là Đài Loan (Trung Quốc), dự kiến tiếp nhận hơn 30.000 lao động; Nhật Bản hơn 10.000 lao động, chưa tính đến số lượng y tá, điều dưỡng viên mà nước này cũng đang có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, việc Malaixia tăng lương cơ bản lên 900 ringgit/tháng (khoảng 300 USD) cho người lao động nước này cũng được xem là cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này.

Cảnh giác để không bị lợi dụng


Tuy cơ hội “xuất ngoại” khá rộng nhưng người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần chuẩn bị hành trang tốt về: ngoại ngữ, ý thức kỷ luật, tay nghề và đặc biệt phải thận trọng ngay từ lúc lựa chọn công ty xuất khẩu lao động.


Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian gần đây xảy ra hiện tượng một số công ty, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài quảng cáo đưa lao động sang Ănggôla có việc làm ổn định trong ngành xây dựng với mức lương hấp dẫn. Theo đó, nhiều lao động Việt Nam không có hợp đồng lao động nhưng đã nhập cảnh Ănggôla bằng thị thực lao động. Tuy nhiên, khi đến Ănggôla, những người này không có việc làm ổn định và mức lương cũng không cao như hứa hẹn. Đã thế, họ còn phải làm việc trong môi trường ít an toàn, nhiều dịch bệnh và bị giữ hộ chiếu... Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ănggôla, trong năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh tại Ănggôla đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam. Mới đây, nhiều lao động Việt Nam đã phải đến Đại sứ quán xin giải quyết thủ tục giấy tờ và hỗ trợ để về nước. Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào đưa lao động sang làm việc tại nước này. Các chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục của Việt Nam đang làm việc tại Ănggôla là theo các thỏa thuận về hợp tác lao động trong các lĩnh vực này được ký giữa Chính phủ hai nước từ nhiều năm trước.


Ông Lê Văn Thanh khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần cảnh giác trước những lời quảng cáo và hứa hẹn đưa sang làm việc tại nước ngoài, nhất là tại Ănggôla, để tránh tiền mất tật mang. Người lao động có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước và Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước, Sở LĐ-TB&XH địa phương, hoặc truy cập website: dolab.gov.vn, hotrolaodongngoainuoc.org để biết thông tin chi tiết về các thị trường lao động, danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thiếu thông tin của người lao động để lừa đảo với chiêu bài “xuất khẩu lao động sang Malaixia”. Theo đó, nhiều lao động được đưa sang nước này bằng visa du lịch (chỉ có thời hạn trong vòng 1 tháng, nhưng người lao động không hề biết về thời hạn này); sau đó, họ bị phó mặc nơi đất khách quê người và phụ thuộc hoàn toàn vào người môi giới Malaixia. Với việc đưa thành công một lao động sang Malaixia làm nghề giúp việc bằng visa du lịch, người môi giới sẽ được chủ sử dụng lao động trả 4.000 USD.


Theo ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề, xuất nhập khẩu lao động, Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng, để tránh bị lừa đảo, bản thân người lao động phải tự tìm hiểu thông tin trước khi đưa ra quyết định chọn công ty để gửi gắm nguyện vọng của mình.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN