Cô gái “xương thủy tinh” đam mê làm từ thiện

“Chỉ cần mỗi sáng thức dậy, thấy mình còn sống thì mình phải sống sao cho ngày đó có ý nghĩa”- với quan niệm sống đó, Huỳnh Thanh Thảo luôn cố gắng sống và cống hiến hết mình để vượt qua nỗi đau của bệnh tật.

Mở lớp học tình thương

Sinh ra với cơ thể không lành lặn, chiều cao chỉ khoảng 0,65 cm lại mắc chứng bệnh xương thủy tinh và bị nhiễm chất độc da cam nhưng Thanh Thảo không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ để cuộc sống của mình trôi qua vô ích. Dù đã bước qua tuổi 25 và từng dạy biết bao nhiêu đứa trẻ ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi nhưng Thảo chưa một lần được cắp sách tới trường.

Cô Nguyễn Thị Xuân, mẹ của Thảo tâm sự: Tôi biết Thảo khao khát được đến trường lắm, nhưng với thân hình như vậy thì làm sao mà đi học được. Tôi sợ nhất, đến đó bạn bè nô đùa chẳng may đạp phải, cháu sẽ bị gãy xương thì rất nguy hiểm. Thương con, tôi mua quyển sách tiếng Việt tập 1 về dạy cho Thảo những chữ cái và các phép cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Rồi từ đó, Thảo tự mày mò học hỏi qua sách báo và học rất nhanh.

Có được vốn chữ kha khá và cũng muốn tự mình kiếm tiền, Thảo xin mẹ mở cửa hàng tạp hóa và dạy cho một vài đứa trẻ trong ấp tập viết, tập đọc. Thảo chia sẻ: “Mình chưa bao giờ nghĩ có thể dạy học hay làm được bất cứ điều gì khác. Ngày đó, có một chị làm công nhân ở gần nhà, do không có điều kiện giữ con nên chị gửi bé đến chơi với mình.

Thư viện mini “cô Ba” lúc nào cũng đông khách đến đọc.


Thời gian rảnh không biết làm gì, hai cô cháu lấy vở ra học bài. Cuối năm, bé được học sinh xuất sắc. Rồi từ đó, mọi người trong ấp mang con đến nhờ mình dạy học, đa số những đứa trẻ này đều là con nhà nghèo nên mình chỉ dạy thôi chứ không lấy tiền. Khoảng 14 tuổi mình đã trở thành cô giáo của bọn trẻ trong ấp và tụi trẻ hay gọi mình với cái tên thân mật là “cô Ba”. Vì điều kiện sức khỏe nên mỗi lớp mình chỉ nhận khoảng 10 bé thôi. Tất cả mọi thao tác dạy học từ cầm tay tập viết, dạy tính toán, tập đọc… đều ở trên chiếc giường tre.

Thỉnh thoảng những lớp học của “cô Ba” lại bị gián đoạn vì những lần “trái gió trở trời” hay phải suy nghĩ nhiều, căn bệnh của Thảo lại “dở chứng”, mỗi lúc như thế phải mất khoảng 4 -5 tháng mới qua hẳn cơn đau. Dù vậy, lớp học tình thương của Thảo đã duy trì được hơn 10 năm, những lứa học trò đầu tiên giờ đã học năm cuối cấp 3, còn cô giáo Thảo vẫn nhỏ xíu và nằm dạy lớp học trò sau này, vẫn bằng động tác di chuyển khó khăn, lật qua lật lại như một đứa trẻ mới tập bò.

Lập thư viện sách “cô Ba”

Từ khao khát được đi học, đến khi biết được con chữ, Thảo đã say mê đọc sách. Vì từ sách, báo, Thảo đã học được rất nhiều điều và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Những cuốn truyện, sách mọi người bỏ đi, Thảo xin về đọc. Đọc xong, Thảo chắt góp để dành và lại muốn chia sẻ với những đứa trẻ trong xóm.

Thảo kể lại: “Trong một lần được trò chuyện trên đài phát thanh, khi hỏi về ước mơ, mình đã nói chỉ mong có được một tủ sách nhỏ để cho những đứa trẻ trong xóm đọc. Rồi từ đó bạn bè và những nhà hảo tâm từ khắp nơi trong cả nước gửi rất nhiều sách, báo, truyện để giúp mình thực hiện ước mơ đó. Đến nay, thư viện sách mini của mình đã được xây dựng khang trang hơn và có khoảng 3.000 cuốn sách, báo, truyện các loại.

Mình vẫn còn nhớ như in hôm thư viện sách “cô Ba” khai trương, trời mưa tầm tã nhưng rất nhiều trẻ em trong xóm đến từ rất sớm để được đọc truyện. Điều đó, làm mình rất cảm động và càng thôi thúc mình thực hiện ước mơ đó hơn. Ước mơ của mình cũng chính là ước mơ của những đứa trẻ trong xóm.

Vì là sách được khuyên góp nên thường không đủ bộ, mỗi lần như thế Thảo lại phải lên mạng đọc hết phần còn thiếu của cuốn truyện rồi kể lại cho các bé nghe. Những bé có hoàn cảnh khó khăn đều được đọc miễn phí, còn công nhân và những bé gia đình có điều kiện thì thu phí 500 đồng/cuốn. Số tiền thu phí đó, Thảo lại bỏ vào quỹ để sau này tổ chức các hoạt động vui chơi cho các bé như: Đi viếng nghĩa trang, tổ chức vui đêm trung thu, cuộc thi bé kể chuyện…

Ngoài ra, Thảo còn rất đam mê làm từ thiện và kết nối mọi người lại với nhau. Trong năm qua, Thảo đã tự mình tổ chức được 19 chương trình từ thiện như: Đi thăm người già, thăm trẻ mồ côi, khuyết tật… Những lần như thế, Thảo lại lên mạng kêu gọi mọi người ủng hộ và được sự quan tâm của nhiều người.

Di chuyển khó khăn nhưng trong mỗi chuyến đi thiện nguyện của nhóm, dù xa hay gần đều có sự góp mặt của Thảo. Thảo chia sẻ: Dù vất vả và khó khăn, có khi bị những cơn đau hành hạ nhưng mình vẫn thích đi. Vì mỗi chuyến đi như thế mình cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa, học hỏi được nhiều thứ và kết nối tình yêu thương của mọi người lại với nhau.

Với sự cố gắng hết mình vượt qua bệnh tật và sống với tinh thần “tàn nhưng không phế”, vừa qua Huỳnh Thanh Thảo đã được thành phố phong tặng danh hiệu “Tuổi trẻ làm theo lời Bác”.

Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN