Chuyện tình thời hậu chiến

Ông Lâm Quang Đạo, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) đưa chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng thương binh Lê Hữu Khính- Tạ Thị Trúc. Hai bác đều là thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 81% và nhờ tình yêu, cả hai từng bước vượt qua khó khăn, nuôi dạy con cái nên người.


Bà Trúc (sinh năm 1954, quê ở thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) là thanh niên xung phong của Đoàn 559. Đầu năm 1975, khi đang san đường, một quả bom rơi gần chỗ bà, một tiếng nổ đinh tai vang lên, bà ngất đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, bà thấy mình đang nằm ở viện 103. Suốt ba năm, từ 1975 đến 1978, các bác sỹ đã kiên trì vật lộn với thần chết để giành giật lại cuộc sống cho bà. Năm 1979, khi sức khỏe đã tương đối ổn định, bà được đưa vào Trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan. Chồng bà, ông Khính (quê ở Thanh Hóa), là bộ đội thông tin. Do bị dính bom trong quá trình công tác, ông trở thành người tàn phế và được đưa vào trung tâm năm 1982. “Mới đầu tôi sốc và buồn lắm, có lúc còn nghĩ tiêu cực, hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao. Thế nhưng khi thấy anh em, đồng đội đều chung cảnh ngộ như mình nên cũng nguôi ngoai dần”, ông Khính chia sẻ.


Đôi vợ chồng thương binh Lê Hữu Khính - Tạ Thị Trúc.


Khi mới vào trung tâm, ông được phân ở cùng dãy nhà tập thể với bà Trúc. Hàng ngày, sau những buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, những thương binh khác về phòng nghỉ ngơi nhưng cô Trúc vẫn nán lại dìu ông đi làm quen với các khu vực của trung tâm. Đáp lại, khi thấy bà giặt giũ, ông ở lại múc nước, khi thì cả hai cùng tưới rau, làm cỏ. Những câu chuyện về quê hương, gia đình, chuyện buồn vui hay những kỷ niệm thời chiến tranh được ông bà sẻ chia. Tình cảm hai người nảy sinh từ đó, cho đến khi cảm thấy không thể sống thiếu nhau, ông quyết định cầu hôn. “Đó là một ngày cuối tháng 10, tiết trời se lạnh, chúng tôi đi dạo ở cánh đồng đầy cỏ may. Trong lúc ngồi nghỉ, ông ấy tết những bông cỏ may thành chiếc vòng đeo lên đầu tôi, rồi tết chiếc nhẫn đeo lên tay và nói: “Chúng ta làm đám cưới em nhé”. Nghe xong, tôi ứa lệ rồi cũng gật đầu, bà Trúc kể lại.


Hai người đưa ra quyết định kết hôn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Những người đồng tình cho rằng cả hai cùng cảnh ngộ sẽ hiểu và thông cảm cho nhau, và đó sẽ là nguồn động viên khi về già. Những người không đồng tình lại lắc đầu ngao ngán bởi cả hai đều là thương binh nặng, chỉ riêng việc chăm sóc cho mình đã không tự lo nổi, nếu tự lập thì những lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát sẽ ra sao. Lo lắng là vậy, nhưng thấy hai người yêu thương và quyết tâm đến với nhau, đám cưới được tổ chức trong niềm vui của hai gia đình và anh em trung tâm.


Vượt qua gian khó


Cưới nhau xong, người thân giúp dựng một ngôi nhà nhỏ ở cạnh trung tâm, còn lại hai người phải tự lo cho nhau. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hai con lần lượt ra đời. Sức khỏe của bà giảm sút, ông phải một tay giúp vợ giặt giũ, trông con, vừa phải tự lo cho sức khỏe của mình. Ngoài vài chục ngàn đồng phụ cấp ít ỏi, hai vợ chồng không còn khoản thu nào khác. Gia đình hai bên cũng khó khăn không giúp được gì, có hôm vợ chồng, con cái phải húp cháo loãng qua ngày. Quyết không cam chịu, bà mở thêm cửa hàng tạp hóa để tăng thu nhập. Gọi là cửa hàng cho oai, thực ra chỉ có vài con cá khô, ít muối trắng, dầu đèn và vài chiếc kim, sợi chỉ. Bà Trúc bảo: “Lời lãi chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng phụ thêm đồng mắm, đồng muối”. Ông thì trồng rau, nuôi gà, vừa để bán, vừa cải thiện cuộc sống. Khó khăn rồi cũng qua đi, các con học hành thành đạt. Người con đầu đã có gia đình đang làm việc tại một công ty điện máy ở Hà Nội, người con thứ hai đang đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc thường xuyên gửi tiền về giúp ông bà trang trải cuộc sống.


Vừa kể, thi thoảng ông lại bóp tay, bóp vai cho bà. Bà Trúc bảo, mấy hôm nay trái gió trở trời, vết thương cũ lên cơn đau nhức rất khó chịu phải có người xoa bóp, đau quá thì phải vào trung tâm điều trị. Những lúc đó, ông phải bóp tay, bóp chân cho bà, những lúc ông ốm đau, bà lại chăm lo cho ông. Cứ như vậy ông bà thay phiên thức trắng đêm để chăm nhau. Cách đây mấy năm, khi các con đi học xa nhà, giữa đêm khuya, trời mưa to gió lớn, điện lại mất, ông bị vết thương cũ tái phát. Ông lăn lộn, quằn quại, người vã mồ hôi, bà lần mò xuống bếp châm nến, lên đến nhà thì người bà cũng ướt như chuột lột. Khổ nhất là khi cả hai cùng bị tái phát vết thương một lúc, cơn đau quằn quại, co thắt không chịu được, không ai giúp được ai, đành gọi điện cho trung tâm nhờ giúp đỡ. Cũng may nơi ở của ông bà chỉ cách trung tâm khoảng 300m, lại có người túc trực 24/24 giờ nên mọi người nhanh chóng tới giúp.


Năm nay ông bà tuổi đã cao, sức đã giảm nhưng nhìn ông bà chăm sóc nhau, không ít người trẻ phải ghen tỵ. “Muốn xây dựng gia đình hạnh phúc, cần nhất là có sự cảm thông, chia sẻ giữa hai người thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”, bà Trúc chia sẻ.



Bài và ảnh: Phạm Văn Khanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN