Chuyện quản lý: Xã nghèo nhất tỉnh Đắk Lắk xây chợ cho… bò ở

Đi trên tuyến quốc lộ 27 khi qua địa phận huyện Lắk (Đắk Lắk) có thể dễ dàng nhìn thấy một khu chợ được xây dựng khá khang trang nhưng không có hoạt động kinh doanh. Thay vào đó, những nhà lồng của chợ đang là nơi trú chân, phóng uế của trâu, bò, heo thả rông.

Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, năm 2000, Bông Krang huyện Lắk được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công công, trong đó có chợ. Với vốn đầu tư gần 600 triệu đồng để xây chợ là một khoản kinh phí lớn vào thời điểm đó. Chợ được quy hoạch bên Quốc lộ 27, sát với khu trung tâm của xã. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay đã gần 11 năm nhưng chưa có một phiên chợ nào được họp. Bị bỏ hoang một thời gian quá dài nên công trình bắt đầu bị xuống cấp, cỏ mọc um tùm, chỉ có tác dụng cho trâu, bò, heo thả rông vào gặm cỏ, trú chân và…phóng uế. Lãnh đạo và người dân xã Bông Krang cho rằng, việc xây dựng chợ ở đây là không thiết thực. Vì từ xã xuống chợ trung tâm huyện Lắk chỉ vài cây số, nên bà con cần mua sắm gì cũng đều xuống chợ huyện có hàng hóa phong phú, việc bán nông sản cũng dễ dàng hơn.

Bông Krang là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk. Toàn xã hiện có 1.348 hộ với 6.430 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm hơn 90%; tỷ lệ hộ nghèo của xã đang chiếm gần 54%. Một số buôn, thôn ở Bông Krang đường sá đi lại rất khó khăn. Các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Nếu như những nhà quản lý sâu sát hơn thì thay vì xây chợ bề thế rồi bỏ hoang, đầu tư xây dựng những con đường liên thôn, hoặc xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sẽ thiết thực hơn nhiều.

Công trình này là một trong những điển hình cho tư duy quan liêu và sự lãng phí, nghèo còn “xài sang” ở Đắk Lắk.


Việt Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN