Chuyện quà biếu ngày Tết

Quà biếu là nghĩa cử cao đẹp, là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng hiện nay, không ít người đã lợi dụng quà biếu để thực hiện một số hành vi bất chính, trong đó phổ biến ở những người có địa vị và chỗ đứng trong xã hội. Và nó đã tạo nên một áp lực lớn trong mỗi dịp Tết đến xuân về….


Xưa là nét văn hóa…


Tết đến xuân về là thời điểm để mỗi con người thư giãn sau một năm lao động, họ lại cùng nhau tề tựu đông đủ trong không khí ấm cúng và chan hòa tình cảm. Họ bày tỏ sự quan tâm và kể cho nhau nghe những vất vả lo toan của một năm, cùng nhau chúc tụng cho một năm mới với nhiều vận may mới. Đối với những người Việt xa xứ thì cố tìm lại dư âm không khí Tết Việt bằng cách tự an ủi với chính mình và tự giải tỏa tâm lí, thư giãn trong mâm cơm gia đình. Điều đó đã phần nào phản ánh được bản sắc văn hóa của Việt Nam sâu nặng nghĩa tình.


Quà tặng sẽ mất đi giá trị khi biến thành một gánh nặng cho người tặng nó.


Khi tôi còn nhỏ, gần đến Tết, tôi rất nô nức và sung sướng vì mình sắp có áo đẹp quần mới, sắp có tiền lì xì. Nếu trúng vào năm ấy, gia đình tôi có người đi làm ăn xa thì tôi lại càng hạnh phúc hơn vì mình lại được có quà, càng vui hơn khi ba má và anh chị em trong nhà lại cũng có quà như tôi. Có thể, những món quà biếu ấy không có giá trị nhiều về mặt vật chất song lại rất là ý nghĩa và không thể thiếu.


Món quà ấy có thể là một tấm hoành phi câu đối dâng lên tổ tiên, một hộp mứt, một chai rượu hay thậm chí là chỉ là một gói trà bình dị, nhỏ nhắn xinh xinh. Tất cả đều thể hiện một tình cảm quan tâm lẫn nhau. Có thể người xa xứ không trực tiếp thăm hỏi nhưng thông qua món quà biếu ngày Tết càng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.


Tết là dịp để mọi người bày tỏ sự quan tâm đến nhau qua việc tặng quà. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN


Hơn nữa, khi vào Tết chính thức thì mọi người trong làng rồi cả bà con gần xa về chúc tụng. Kẻ mua hoa, người sắm hương đèn, bánh trái đến để báo công với ông bà tổ tiên. Họ chung nhau sum vầy trong không khí chuẩn bị ngày Tết. Họ cùng vui đùa và quên đi mọi lo toan của cuộc sống đời thường, cùng kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn một năm đã qua, cùng chia sẻ và giúp nhau trong năm tới. Tết cũng còn là dịp để con người bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau qua việc tổ chức họp mặt, thăm hỏi…


…Nay là “gánh nặng”


Hiện nay, những nét đẹp đích thực của văn hóa Tết hầu như bị mai một. Sự xuất hiện của cái gọi là quà biếu ngày Tết đã phần nào đó đánh mất giá trị đích thực của quà biếu ngày Tết (thậm chí, chính nó là thủ phạm chà đạp lên danh dự và giá trị đạo đức tốt đẹp của con người và nền văn hóa Việt Nam). Văn hóa Tết chỉ còn “trơ trọi” trong sự im lìm và chán nản. Nếu có thì chỉ thoang thoảng ở đâu đấy trong các làng quê thanh bình của Việt Nam.


Quà biếu ngày Tết nếu hiểu theo nghĩa nguyên của nó là phép hành xử và giao tiếp của con người với nhau trong xã hội. Nó hình thành do một nhu cầu của thực tiễn. Có thể ban đầu, nó là sự chia sẻ những giá trị vật chất mà con người có được để bày tỏ những giá trị tinh thần như "nhường cơm sẻ áo". Về sau là nhu cầu đáp ứng các giá trị văn hóa tâm linh của người Việt. Nhưng hiện nay thì là các giá trị đó đã bị "lai căng", đi sai với ý nghĩa cao đẹp vốn có.


Truyền thống biếu quà bắt nguồn từ ý muốn thể hiện sự trân trọng hay cảm kích công lao của cấp trên hay chỉ đơn giản là để thay cho một lời cảm ơn chân thành vì một lần được giúp đỡ, chỉ bảo trong công việc. Quà tặng sẽ mất đi giá trị khi nó biến thành một gánh nặng hay một nghĩa vụ cho người tặng nó. Nhưng nhiều người chưa hiểu tường tận giá trị nhân văn sâu sắc của nó mà lợi dụng văn hóa biếu quà vì mục đích thực hiện những động cơ bất chính, làm băng hoại đạo đức, phá vỡ ý nghĩa văn hóa có tự ngàn đời, mà ta có thể nói là biếu quà “không có văn hóa”.


Quà biếu ngày Tết không còn là sự thể hiện quan tâm lẫn nhau về mặt tình cảm thuần túy mà cao hơn là thể hiện sự mua quan, “nịnh hót” lấy lòng cấp trên. Nó đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội, trở thành một phong trào không thể thiếu trong ngày Tết. Điều này thấy rất rõ qua không khí sầm uất nhộn nhịp của ngày Tết ở các công sở. Nếu khi xưa người ta còn lén lút và kín đáo thì ngày nay lại rất lộ liễu. Sự việc này diễn ra trong mọi đời sống của xã hội với sự biến hóa khôn lường và ngày càng tinh vi hơn.


Đó là một thực tế mà ai cũng công nhận. “Văn hóa biếu quà” thời nay đã đi ngược với giá trị văn hóa đẹp đẽ vốn có của nó. Hiện nay, nhiều người biếu quà để "nịnh", để "mua bán", để "xin" cái gì đó có lợi cho mình… Đó chính là nguồn gốc nảy sinh tham ô, tham nhũng.


Nói đúng hơn, việc biếu quà đã phần nào trở thành nguồn gốc nảy sinh của tham ô, tham nhũng. Nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là trong sự biến đổi muôn màu, muôn vẻ của xã hội ngày nay. Có thể, đó là một phong bì, lại có thể là một vật dụng yêu thích của người được nhận, hay đó có thể là một thẻ rút tiền tự động... Nhưng đơn giản và phổ biến hơn cả là cái phong bao (hay phong bì) mà giá trị bên trong tùy theo mục đích của người tặng. Nếu nó chỉ là những món tình cảm chân thực thông thường thì không đề cập đến làm gì, nhưng đằng sau màn trá hình đó là những giá trị vô giá về mặt vật chất. Tất cả nhằm một điều là muốn "mua quan, bán chức", làm băng hoại xã hội và đánh mất nét đẹp trong văn hóa Tết.


Càng ngẫm suy và nhìn lại, ta càng thấm thía một điều rằng, “văn hóa biếu quà” và “quà biếu văn hóa” là một vấn đề nan giải trong đời sống, giữa một mặt là hành vi văn hóa và mặt khác là hành vi phi văn hóa. Điều đáng suy xét là những giá trị tốt đẹp của văn hóa biếu đã bị biến dạng trong văn hóa ứng xử hiện nay với sự phức tạp và đa dạng của đời sống. Cụm từ "văn hóa phong bì" đã trở thành một hiện tượng xã hội tiêu cực, lan tỏa khắp xã hội, mà thực chất là một hiện tượng "phản văn hóa" hay “phi văn hóa” cần được lên án...


Để văn hóa biếu quà trở về giá trị đích của nó, hãy phát huy những cái phong tục tốt đẹp ấy một cách vô tư, khách quan theo đúng tình cảm, không thiên về giá trị vật chất. Chính điều này sẽ từng bước loại bỏ bớt chủ nghĩa vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân xâm thực vào mỗi con người, nhất là các cán bộ lãnh đạo của ta hiện nay.



Hà Kiều

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN