Chuyện làm thêm của sinh viên

Chuyện đi làm thêm của sinh viên không còn xa lạ trong trường đại học nữa. Xuất phát từ nhu cầu trang trải chi phí cho bản thân do điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp và với nhiều bạn là sự trải nghiệm trong cuộc sống mà không trường học nào mang lại được.


Nhiều sinh viên sư phạm tìm được việc làm thêm tại các trung tâm tư vấn tại trường.

Trang trải tiền học


Hè về, trong khi các bạn lên kế hoạch nghỉ ngơi cùng gia đình sau một năm học căng thẳng thì Quỳnh (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn) vẫn tiếp tục với công việc làm thêm của mình tại Hà Nội với công việc “Tiếp thị bia”.


Một ngày Quỳnh nhận làm 2 ca từ 10h-13h và từ 17h-20h. Từ sáng sớm, Quỳnh cùng các nhân viên khác đã tập trung để nhận bia và di chuyển đến các địa điểm nhà hàng để tiếp thị. Có thể nhận thấy đa số các cô gái đều có khuôn mặt xinh xắn và thân hình gợi cảm trong bộ váy đồng phục bó sát màu đỏ mang thương hiệu đủ các loại bia.


Theo chân Quỳnh đến một nhà hàng trên đường Giải Phóng, Quỳnh chia sẻ: “Từ khi bố mình mất, mẹ mình cũng bệnh tật suốt nên mình cố gắng tự lo được chi phí sinh hoạt phần nào hay phần ấy. Nhà mình ở tận Nghệ An, mỗi lần đi đi về về lại tốn kém thêm một khoản không nhỏ. Dịp hè là dịp đông khách nên càng không dám bỏ việc về quê dù nhớ nhà, nhớ mẹ lắm”. Chưa nói hết câu, Quỳnh đã phải vội chạy lại bàn một vị khách ra dấu gọi bia. Cùng với Quỳnh là vài cô gái trẻ khác cũng đang len lỏi giữa các bàn ăn cố gắng mời mọc cho được một thực khách thử bia của mình.


Khách thử bia cũng có đến trăm kiểu người, dễ thấy một điều là người lịch sự thử bia thì ít còn những người thử bia kèm theo đôi ba câu trêu trọc, đôi khi còn giở trò sàm sỡ với các cô gái thì ngày nào cũng gặp. Quỳnh kể: “Hồi đầu mới đi làm, lúc mời khách tự nhiên ông ấy đứng lên túm chặt tay mình rồi ép mình cùng uống với ông ấy, lúc ấy run lắm, tái mét hết cả mặt mày, may sao có chị làm cùng ra giải vây. Bây giờ những tình huống tương tự mình đã biết cách xử trí, đồng thời, suy nghĩ tích cực hơn thì với công việc này đã rèn luyện cho mình cách giao tiếp, sự tự tin và khả năng phản ứng nhanh”.


Dù biết nghề tiếp thị bia không ít lời dèm pha, Quỳnh tâm sự: “Mình biết con gái làm những việc như thế này rất vất vả, cả về thể chất và tinh thần. Nhưng mình chẳng biết đi đâu tìm được một công việc phù hợp với thời gian học hành của mình mà thu nhập cũng ổn, đủ để mình trang trải mọi chi tiêu mà không cần xin mẹ nữa, nên mình chưa có ý định sẽ đổi nghề khác”.


Chuyện của Quỳnh không hiếm trong mặt sau của giảng đường đại học hôm nay. Nhiều sinh viên các khoa tiếng Nhật, tiếng Hàn tại các trường ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Ngoại thương Hà Nội đã tìm được những công việc tại các nhà hàng ẩm thực của Nhật, Hàn Quốc với mức lương khá tốt. Thêm vào đó, các bạn được bổ túc khả năng giao tiếp tiếng cho ngành học của mình. Nhưng bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng cho biết, bản thân phải đối mặt với nhiều tình huống rất khó xử, thậm chí nếu không xử lý được sẽ phải bỏ việc.


Làm thêm để trải nghiệm cuộc sống.


Phục vụ cho ngành học


Việc làm cộng tác viên của Phương Thảo (ĐH Sư phạm Hà Nội) tại Lớp tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ mang lại cho bạn không ít kinh nghiệm thực tế phục vụ cho ngành Tâm lý học đường mà bạn đang học. Hằng ngày, Thảo tiếp xúc với các em bé mắc bệnh tự kỷ, công việc chính là chăm sóc và tập vận động cho các bé, chăm sóc cho trẻ con bình thường đã khó nhưng đây lại là những trường hợp tâm lý đặc biệt đòi hỏi Thảo phải biết kiên nhẫn và khéo léo, điều này chẳng có trường lớp nào rèn luyện mà phải trải qua thực tế mới hiểu được.


Thảo cho biết: “Ở trường học, bên cạnh tiếp thu những kiến thức cơ bản thì rất cần những giờ thực hành. Đặc biệt với nghề giáo viên đặc biệt. Khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ mới có những nhận xét riêng của bản thân. Từ đó, mang những hắc mắc đó trở lại với giáo viên. Những tình huống sư phạm chỉ có được khi được thực hành ở một lớp học hoặc với chính những học sinh của mình. Vì vậy, với giáo dục đặc biệt, ngay sau năm thứ nhất, nhiều bạn đã tìm cho mình một công việc: hoặc dạy tại nhà cho những gia đình có trẻ tự kỷ hoặc tham gia làm cộng tác viên cho những lớp tư vấn của nhà trường hay của trung tâm bên ngoài”.


Nhận định về chính những sinh viên của mình, giảng viên Nguyễn Phương Thanh (ĐH Quôc gia Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn khuyên các em bên cạnh giờ học hãy tìm cho mình một công việc nào đó hoặc tham gia dự án cùng với các thầy cô. Đây chính là những trải nghiệm giúp các em 'khôn' lên trong cách xử lý tình huống. Nếu các em cứ 'đóng hộp' trong 4 năm đại học, trông chờ vào những khóa thực tế, kiến tập của nhà trường thì sẽ không đủ. Thời gian học của sinh viên hiện nay được chủ động, các em học theo tín chỉ nên việc sắp xếp thời gian càng dễ dàng hơn. Nếu biết phân bổ hợp lý, các em vừa có thể đảm bảo giờ học trên lớp, vừa có thể tham gia hoạt động xã hội và cho mình một công việc phù hợp. Nhiều sinh viên giỏi của tôi có được sự năng động từ đây”.


Tất nhiên, một số giảng viên cho rằng, cũng không ít em bị sa đà vào việc đi kiếm tiền mà sao nhãng việc học. Vì vậy, các em cần phải chia sẻ với chính những giảng viên của mình để có lời khuyên phù hợp cân đối giữa việc học và các hoạt động khác của mình.


Bài và ảnh: Ninh Thu
Cung cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế ICAEW CFAB cho sinh viên

Sau khi tốt nghiệp, bên cạnh tấm bằng ĐH, sinh viên BUV sẽ có cơ hội sở hữu chứng chỉ quốc tế ICAEW CFAB - được thừa nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN