Chuyên gia khí tượng: Lũ lớn trên sông Hồng tại Hà Nội không thể gây ngập vào nội đô

Lũ trên sông Hồng đang lên trên báo động 2 là 0,6m thì mực nước lũ và ngập lụt chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê chứ không thể nào ngập được vào trong nội đô, nhiều thông tin mạng xã hội đưa thông tin là lũ trên sông Hồng gây ngập nội thành là không chuẩn xác.

Sáng 11/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia tổ chức họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình mưa bão và lũ trên các khu vực hiện nay.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, theo số liệu mới cập nhật đến 12 giờ ngày 11/9, về tình hình mưa, từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, hầu hết các khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ, lượng mưa đã giảm hơn so với 2 ngày trước đó. Từ rạng sáng 11/9 đến nay, lượng mưa tập trung ở khu vực đồng bằng, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Dự báo từ nay đến hết 12/9, mưa vẫn tiếp tục diễn ra ở những khu vực này. Sau ngày 12/9, tình hình mưa mới có dấu hiệu suy giảm. 

Về tình hình lũ trên hệ thống hồ chứa, hiện nay nhiều hồ do lượng mưa lớn trong nhiều ngày, nước trên các hồ tương đối nhiều trong đó có hồ Thác Bà. Từ đêm 10/9 đến nay, lưu lượng nước về hồ Thác Bà đã giảm đi khá nhiều so với 2 ngày trước đó, đến 10 giờ ngày 11/9, lưu lượng về tương đương lưu lượng xả ra khỏi hồ. Mực nước hồ ở mức 59,83m. Lượng nước về giảm nhiều so với ngày 10/9.

“Mặc dù vẫn còn ở mức nguy hiểm nhưng tạm thời áp lực đã giảm so với ngày 10/9, diễn biến mưa ở khu vực trung du và miền núi đang giảm nhưng tình hình diễn biến có thể thay đổi nên cần theo dõi, cập nhật”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia trao đổi với báo chios sáng 

Từ đêm 10/9 đến nay, lũ trên sông Hồng đang có xu hướng tăng, đến 10 giờ ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội lên mức 11,02m thấp hơn mức báo động 3 khoảng 0,48m. So với dữ liệu quá khứ, mức lũ trên sông Hồng tại Hà Nội lên mức trên 11 m đã xảy ra năm 2004, cách đây 20 năm, thời điểm đó, mức nước lớn nhất trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,04 m. 

Với tình hình nước lũ tăng thì trong những giờ tới, mực nước tại thượng nguồn còn biến đổi chậm nên mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong những giờ tới có xu thế tăng nhưng tăng chậm.

“Đây là đợt lũ hiếm gặp, theo dữ liệu thống kê đến thời điểm hiện tại ở hầu hết các sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Lô… đều ở mức trên báo động 3, đặc biệt sông Thao tại Yên Bái còn vượt mức giá trị lịch sử”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình lũ trên sông Hồng tại Hà Nội, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có đưa ra bản tin cảnh báo ngập úng trong khu vực Hà Nội khi có mưa lớn. Mỗi đợt mưa lớn thì ở khu vực nội thành, các đường phố này thường xảy ra ngập nhưng cũng có nhiều thông tin mạng xã hội đưa thông tin là lũ trên sông Hồng gây ngập nội thành là không chuẩn xác”. 

Ông Vũ Đức Long phân tích thêm, đối với lũ trên sông Hồng đang lên trên báo động 2 là 0,6m thì mực nước lũ và ngập lụt chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê. Ví dụ như tại khu vực Hoàn Kiếm các khu vực như Phúc Tân, Phúc Xá, Bạch Đằng chứ không thể nào ngập được vào trong nội đô. 

“Chúng tôi muốn thông tin rõ hơn đến người dân, chứ không phải lũ trên sông Hồng có thể ngập hết vào nội đô”, ông Vũ Đức Long nhấn mạnh. 

Ông Vũ Đức Long cho biết thêm, hiện nay có một số thông tin tích cực là thượng nguồn sông Hồng ở sông Thao hiện nay mực nước ở Lào Cai, Yên Bái đang đạt đỉnh và đang xuống. Cùng với đó, hồ Hoà Bình đã đóng thêm 1 cửa xả, hồ Tuyên Quang đóng thêm một cửa xả đã giúp giảm tải lượng nước thượng nguồn về hạ lưu

Tuy nhiên, bất lợi vẫn tồn tại là trên sông Thao lượng nước lũ tuy xuống nhưng vẫn còn cao, vùng hạ lưu và đồng bằng thì hầu hết các trạm trên lưu vực sông đều xuất hiện ở mức báo động 3, một số sông xuất hiện mức lũ lịch sử. Lượng nước đang cao nên khả năng tiêu thoát nước sẽ chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài 2-3 ngày tới.

Nhận định về tình hình mưa lũ thời gian tới, ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cho biết, một số tỉnh nguy cơ mưa lũ còn kéo dài trong vài ngày tới như Thái Nguyên, Thái Bình, Hưng Yên…

Đặc điểm lũ năm nay là ở Thái Nguyên chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử các số liệu ghi nhận, tại Bắc Giang hầu hết các xã giáp ranh sông Thương, sông Cầu, các huyện từ Lục Giang đến Yên Dũng, Hiệp Hoà sẽ tiếp tục lũ kéo dài. Hiện nay nước lũ trên sông Thương và sông Cầu vẫn tiếp tục tăng lên trong 6 tiếng tới, hiện đang duy trì ở mức báo động 3. Do đó mối nguy hiểm có thể kéo dài 1-2 ngày tới, đặc biệt liên quan đến ngập lụt. Đặc điểm lũ ở Bắc Giang có đặc điểm tương đối giống với một số năm như 2008,1986 đã gây ra đợt lũ kéo dài, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. 

Khu vực Hà Nội hiện tượng ngập úng ven khu vực hệ thống sông chính như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra và theo dự báo trong 6 tiếng tới, mực nước các sông này tiếp tục tăng lên.

“Tuy nhiên, theo nhận định trong 6 tiếng tới, mực nước các sông này sẽ đạt gần 1.3 m, dưới mức báo động 3 gần 20 cm, có thể sẽ chững lại. Hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa trong thời gian trước mắt cũng như diễn biến xả của các hồ thuỷ điện phía trên”, ông Võ Văn Hoà cho biết.

Ngoài ra, các sông lục tỉnh như sông Bùi, sông Tích… đang duy trì ở mức báo động 3, gây hiện tượng nước dâng lên và tràn một số khu vực nội đô.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển xe máy và tài sản ra khỏi nơi ngập lụt tại Phúc Tân, Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Nhận định về ngập úng, ông Võ Văn Hoà cho biết, hầu hết các quận nội thành như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên đang có ngập úng tại các khu vực ven đê. Khả năng trong 6 tiếng tới khi mực nước sông Hồng tiếp tục tăng lên thì nguy cơ này vẫn hiện hữu.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sơn Tây, Đông Anh, Hà Đông…sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do nước của hệ thống sông nhỏ tăng lên, gây ngập úng cục bộ.

“Hiện nay nguy cơ lớn nhất chúng tôi nhìn thấy là có khả năng xảy ra ngập úng kéo dài tại một số huyện như Chương Mỹ do nước ở các sông chính lên cao và việc thoát nước bị ảnh hưởng nên có thể xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài”, ông Võ Văn Hòa nhận định. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Yên Bái: Ghi nhận 37 người chết, 3 người mất tích do mưa lũ
Yên Bái: Ghi nhận 37 người chết, 3 người mất tích do mưa lũ

Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 8 giờ ngày 11/9, số người bị chết và mất tích do ảnh hưởng bão số 3 tại tỉnh là 41 người (37 người chết do sạt lở đất, 1 người chết vì ngạt nước; 3 người mất tích), 17 người bị thương. Trong đó, riêng thành phố Yên Bái có 20 người chết, huyện Lục Yên có 11 người chết và 3 người mất tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN