Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành có sự tham dự của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số…
Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 đã thông qua Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là cột mốc, cũng là nền tảng để các bộ, ngành và toàn xã hội cùng tăng tốc đạt mục tiêu của chương trình, trong đó có ngành tư pháp. Theo đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử luôn được lãnh đạo tòa án xác định là nhiệm vụ cấp thiết giúp bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Cụ thể, theo báo cáo hiệu quả của Tòa án nhân dân tối cao, trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động (từ 2022 - 2024), ước tính, ngành Tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của thẩm phán, công chức tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại tòa án.
Trong đó, Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân, do Viettel Solutions triển khai, đóng vai trò là bộ não số của tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 Tòa án nhân dân trên toàn quốc.
Việc ứng dụng hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả xử lý công việc, không bị chậm trễ, tiết kiệm thời gian gửi, nhận văn bản từ vài ngày xuống còn vài phút và kinh phí in ấn, phát hành văn bản. Mọi quy trình nhận văn bản, chỉ đạo và truyền thông tin cho cấp dưới chỉ bằng một cái nhấp chuột. Trong khi đó nếu thực hiện thủ công mất khoảng vài ngày. Từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày; mã hoá gần 500 bản án/ngày.
Tại hội nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình xác định: “Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp trong tòa án, là cơ hội để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý”.