Chuyển đổi số để cấp nước an toàn - Bài 1: Những 'khoảng trống' trong xử lý nước thải đô thị

Trong bối cảnh ngành nước của Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu ngày một cao về chất lượng nước sạch, cấp nước an toàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế đến những tác động của quá trình đô thị hóa tăng nhanh, sự ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Phóng viên TTXVN xin giới thiệu hai bài viết liên quan đến chủ đề: "Chuyển đổi số để cấp nước an toàn".
  
Bài 1: Những 'khoảng trống' trong xử lý nước thải đô thị 
 
Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg, mục tiêu, định hướng phát triển thoát nước của Việt Nam được điều chỉnh, trong đó đến năm 2025, tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị trên 80%, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý 20-50%, tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý trên 80%, riêng tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý 100%. Đến năm 2050, cả 4 chỉ số này đều phải đạt 100%.
 
Quản lý vận hành hệ thống thoát nước nhiều bất cập

Chú thích ảnh
Kênh mương thoát nước thải tại ngõ 409 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng). Ảnh minh họa: Đăng Sơn/Báo Tin tức

Hiện hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng dưới 0,5 m/người so với thế giới là 2 m/người. Riêng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15% với 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cả nước đã đi vào vận hành có tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
 
Ngoài ra, hệ thống thoát nước các đô thị, các khu dân cư được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách hoặc các nguồn vốn khác là tài sản công được các cấp chính quyền theo phân cấp quản lý và dịch vụ thoát nước là dịch vụ công ích. Chính quyền giao cho các doanh nghiệp thoát nước quản lý vận hành theo hình thức đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ. Cùng với đó, với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc gia tăng mặt phủ bê tông hóa; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Mặt khác cơ chế, chính sách quản lý thoát nước còn thiếu và thực tế còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn tới việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước ngày càng khó khăn, đặc biệt đối với tình trạng ngập úng tại các đô thị, ô nhiễm các nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến Dự thảo Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, tổng hợp, thống nhất về quản lý tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước.
 
Bên cạnh những giải pháp về chính sách, đầu tư nâng cấp hạ tầng thoát nước, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tránh xả rác bừa bãi, xả rác vào hệ thống thoát nước gây tắc nghẽn kênh rạch, cống thoát nước cũng đặc biệt quan trọng. Những giải pháp này sẽ giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong ngành thoát nước nói chung, cũng như san sẻ phần nào những khó khăn, vất vả của người công nhân trong việc bảo trì, vận hành hệ thống thoát nước nói riêng.
 
Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng
 

Cung cấp nước liên tục, ổn định với chất lượng ngày càng tốt hơn, cùng với đó, đảm bảo an toàn cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số, xây dựng hệ thống cấp nước thông minh là nhiệm vụ trọng tâm đang được Công ty Cổ phần cấp nước Bình Dương triển khai.
 
Tại Nhà máy nước Tân Hiệp (Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương), Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) vừa qua đã đưa vào hoạt động Nhà máy nước Tân Hiệp mở rộng, với công suất tăng thêm 100.000m3/ngày đêm. Dự án này đã nâng tổng công suất cấp nước của Nhà máy nước Tân Hiệp lên 250.000m3/ngày đêm, góp phần cung cấp nước đầy đủ cho khu vực thành phố mới Bình Dương (thành phố Thủ Dầu Một), thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và vùng lân cận.
 
Các công nghệ mới như công nghệ biến tần và khởi động mềm cho các tổ máy bơm; công nghệ lắng lamen, công nghệ đan lọc HDPE trọng lực; phần mềm quản lý tài sản, thiết bị giám sát chất lượng và áp lực nước, điều khiển van phân vùng cấp nước… đã giúp Công ty tăng cường hiệu quả và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí nhân công, bảo đảm chất lượng nước, cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
 
Ông Nguyễn Văn Triệt, Quản đốc chi nhánh Nhà máy nước Tân Hiệp (Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị Bình Dương) cho biết, công nghệ cao vận hành ngoài giám sát trên camera thì còn giám sát được trên điện thoại di động của nhân viên vận hành. Việc giám sát trên điện thoại di động đối với nhân viên vận hành bất kể đang ở bất cứ đâu thì vẫn nắm bắt được chất lượng nước và đảm bảo lưu lượng cho khách hàng. Về phần nhân lực giai đoạn cũ thì một giai đoạn phải hai người, còn đối với giai đoạn mới thì chỉ cần một người trong cả khâu cấp nước đầu vào và nước cấp đầu ra.
 
Để người dân thay đổi thói quen sử dụng thanh toán điện tử thay vì thanh toán bằng tiền mặt, ngành nước ở Bình Dương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân có thể tiếp cận cài đặt các ứng dụng, dịch vụ thanh toán trực tuyến thông qua các ngân hàng, các đối tác thu hộ trung gian, góp phần hoàn thành 100% việc xóa thu trực tiếp, thu tiền mặt trong thời gian tới. Việc áp dụng hình thức thanh toán tiền nước trực tuyến, giúp công ty có thể quản lý dòng tiền thu về nhanh chóng, chính xác và an toàn hơn. Đặc biệt đã giúp công ty tiết giảm đến 50% chi phí so với cách thu tiền trực tiếp.
 
Chị Nguyễn Thị Lan Anh, người dân phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Hàng tháng như vậy thì việc thông báo tiền điện, tiền nước đều qua điện thoại, hoặc mạng internet sẽ đỡ mất thời gian hơn, người thu tiền nước cũng không phải đến từng nhà nữa. Bình thường thì tôi sẽ đi đóng ở những địa điểm gần nhà nhất, hoặc là qua ứng dụng điện thoại. Hiện tại khi nước nhà tôi có sự cố, tôi chỉ cần gọi điện thoại một đến hai tiếng sau là vấn đề đã được xử lý. Ngoài ra, tôi có thể theo dõi số nước tháng trước và tháng sau qua internet để có thể kiểm soát việc sử dụng nước của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (BIWASE) chia sẻ: Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã và đang rất tạo thuận lợi trong cơ chế; Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng châu Á cũng đưa ra các cơ hội ưu đãi trong việc vay vốn. Công ty bây giờ không sử dụng nhân lực, tất cả đều hoàn toàn tự động. Công nghệ được công ty tham khảo qua những hội thảo, hội chợ, và công ty tiếp cận những công nghệ mới, ứng dụng vào ngành nước để đuổi kịp thế giới. Việc áp dụng công nghệ sẽ làm giảm chi phí cũng như có độ chính xác rất cao. Công ty cũng tự động hóa trong vấn đề thông báo khách hàng về chi phí sử dụng nước để tạo thuận lợi cho việc khách hàng thanh toán. Công ty đang phấn đấu cấp nước cho toàn tỉnh Bình Dương từ vùng nông thôn cho đến thành thị được sử dụng nguồn nước chất lượng.

Khi ứng dụng công nghệ thông tin thì nguồn nhân lực được tiết kiệm, Công ty sẽ tái cấu trúc nguồn nhân lực. Các nhân viên vận hành, sửa chữa thiết bị sẽ được công ty chuyển qua đào tạo làm dịch vụ khách hàng, hoặc là chăm sóc khách hàng để việc đấu nối các thiết bị nước được nhanh chóng hơn.

Có thể thấy, phát triển khoa học công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là cốt lõi, giúp các doanh nghiệp cấp thoát nước làm được nhiều việc với nguồn tài nguyên hạn chế, mang lại hiệu quả cao với chi phí đầu tư thấp.

Phòng, chống thất thoát, thất thu nước sạch
 
Thời gian qua, ngành nước tỉnh Hòa Bình đã nâng cao công tác chống thất thoát nước bao gồm: Đổi mới chính sách, nâng cao quản lý chất lượng vật tư, chuyển đổi số trong quy trình hoạt động... Được thành lập từ năm 1960 với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Công ty cổ phần nước sạch Hòa Bình luôn xác định thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà UBND tỉnh Hòa Bình giao là cung cấp đủ nước sạch trên địa bàn và hiệu quả kinh doanh: Lấy thu bù chi, đảm bảo có lãi, đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Để thực hiện song hành tốt hai nhiệm vụ, đồng thời chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng lớn và tăng cường chất lượng dịch vụ cấp nước, trong những năm qua căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, Công ty đã không ngừng đầu tư mở rộng nhà máy cũng như hệ thống đường ống để phục vụ nhân dân và tăng cường chống thất thu, thất thoát nước.
 
Ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Hòa Bình chia sẻ: "Trong những năm qua, Công ty đã thực hiện một số giải pháp về chuyển đổi số như nâng cao các dịch vụ cấp nước cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình cũng như các huyện trong tỉnh. Về phương án kỹ thuật, chúng tôi lắp đặt các hệ thống sensor kiểm soát áp lực trên toàn thành phố để kiểm soát áp lực cho nhân dân, đảm bảo khu vực xa, cũng như khu vực gần áp lực nước cung cấp được đảm bảo. Kiểm soát đến các đồng hồ nhân dân, thực hiện kiểm soát hàng ngày, đảm bảo áp lực nước cấp cho người dân".
 
Để đảm bảo cấp nước sạch an toàn, liên tục, ổn định với số lượng ngày càng lớn và chất lượng đúng quy chuẩn trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, qua đó đảm bảo việc cung cấp nước sạch an toàn, ổn định cho nhân dân trong khu vực sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà, ông Nguyễn Duy Hùng nhấn mạnh.
 
Ông Nguyễn Văn Vi, Tổ trưởng Tổ dân phố số 7, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, cho biết, giữa người dân và lãnh đạo địa phương kết hợp với công ty nước sạch, trước hết đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Người dân thực hiện tốt việc dùng nước và tiết kiệm nước. Qua góp ý của người dân, hiện Công ty đã thay 80% ống kẽm bằng ống nhựa; từ khi thay bằng ống nhựa thì đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Ngọc, phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, "Trong quá trình sử dụng nước của công ty nước sạch, gia đình chúng tôi thực hiện tiêu chí bảo đảm nước sạch hợp vệ sinh. Còn các hộ gia đình thì vận động, tuyên truyền dùng nước tiết kiệm để tránh thất thoát; người dân thấy chỗ nào dò rỉ thì kịp thời báo cho công ty nước"...

Bài cuối: Cơ hội cho ngành nước phát triển bền vững

Nhóm phóng viên TTXVN
Hà Nội: Nhiều KCN, đô thị, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải
Hà Nội: Nhiều KCN, đô thị, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải

Giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội cho thấy, nhiều khu đô thị có quy hoạch trạm xử lý nước thải riêng biệt nhưng chưa đầu tư thực hiện; tình trạng này cũng xuất hiện ở các khu làng nghề, khu công nghiệp (KCN).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN