Hà Nội: Nhiều KCN, đô thị, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải

Giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội cho thấy, nhiều khu đô thị có quy hoạch trạm xử lý nước thải riêng biệt nhưng chưa đầu tư thực hiện; tình trạng này cũng xuất hiện ở các khu làng nghề, khu công nghiệp (KCN).

Ngày 9/12, thông tin từ phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội cho biết, việc xây dựng, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực đô thị Hà Nội đã từng bước được triển khai theo quy hoạch. Thành phố sẽ ưu tiên đầu tư 14 dự án thoát nước và xử lý nước thải, đến nay, có 5 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 1 dự án đang triển khai; 8 dự án chưa triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) đang chậm tiến độ.

Hiện nay, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố. Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm. Tiêu biểu là Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trên địa bàn huyện Thanh Trì, có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. 

Nếu không được nhanh chóng khắc phục, tháo gỡ, thì chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đến năm 2025 chỉ đạt 50 - 55%. Như vậy các Chương trình công tác của Thành uỷ sẽ khó về đích đúng hẹn.

Một loạt dự án tương tự cũng được nêu tên tại phiên chất vấn cùng ngày, đó là dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, dự án Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh.

Theo thống kê, thành phố hiện còn tới 35 dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội chưa đầu tư xây dựng. Nhà máy xử lý nước thải tập trung Phú Lương; nhà máy xử lý nước thải tập trung Dương Nội, trên địa bàn quận Hà Đông được thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng đến nay vẫn là những bãi đất trống…

Giám sát của HĐND TP cũng cho thấy hiện trạng, nhiều khu đô thị có quy hoạch trạm xử lý nước thải riêng biệt nhưng chưa đầu tư thực hiện. Đó là các khu đô thị mới Yên Hoà, khu chức năng đô thị Xuân Phương, khu đô thị mới Nam An Khánh, khu đô thị mới Vân Canh, Tân Tây Đô, khu đô thị mới tại Lô N1+N3 Sài Sơn, khu đô thị mới Cầu Bươu, Văn Phú, Dương Nội và Sài Đồng.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng trạm xử lý nước thải được xây dựng trong khu đô thị nhưng chưa vận hành. Trạm xử lý nước thải tại khu đô thị Việt Hưng trên địa bàn quận Long Biên đã hoàn thành hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa một ngày hoạt động, chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư, gây lãng phí.

HĐND TP Hà Nội cũng chỉ rõ loạt bất cập đối với hoạt động xử lý nước thải tại khu, cụm công nghiệp khi vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung, như tại khu công nghiệp Quang Minh.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, hiện có 2 doanh nghiệp chưa đấu nối vào trạm xử lý chung, mà tự xử lý… Cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng từ những con mương nước thải khu công nghiệp đang chết dần, chết mòn…

Thành phố hiện có 313 làng nghề truyền thống đã được công nhận, nhưng mới có 4 làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 1,2%...

Có thể nhận thấy, công tác bảo vệ môi trường luôn được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thành phố cũng đã chỉ đạo thực hiện bằng nhiều chương trình, nghị quyết chuyên đề… Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, môi trường vẫn ô nhiễm.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều dự án thoát nước và xử lý nước thải chưa được đầu tư theo quy hoạch hoặc đã được đầu tư nhưng tiến độ rất chậm. Nước thải đô thị, nước thải khu cụm công nghiệp, nước thải làng nghề chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, chảy ra các con sông, là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống, sản xuất của nhân dân.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải còn một số nội dung chậm được giải quyết, như giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải chậm được ban hành; thiếu quan tâm kiểm tra, yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động tại các cụm công nghiệp; vấn đề thu phí bảo vệ môi trường...

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự phiên chất vấn.

HĐND TP Hà Nội cũng nêu rõ, trách nhiệm thuộc về các sở ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đôn đốc triển khai các dự án. Chính vì vậy, UBND TP cần phải có giải pháp căn cơ khắc phục được những tồn tại hạn chế, tập trung giải quyết khó khăn, có lộ trình rõ ràng trong thực hiện; song song tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm và công khai hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường. 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 10 - HĐND TP Hà Nội: Sẽ chất vấn việc bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải, thoát nước
Kỳ họp thứ 10 - HĐND TP Hà Nội: Sẽ chất vấn việc bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải, thoát nước

Sáng 7/12, Kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ), HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc. HĐND TP Hà Nội sẽ chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan; Chất vấn về 2 nhóm vấn đề: công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN