Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 24 điểm cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là cơ hội để phụ nữ khởi nghiệp chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, tìm ra cơ hội kinh doanh hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số của quốc gia bởi có trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Thương mại điện tử đã trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam -một quốc gia với 70% dân số sử dụng internet. Điều này cho thấy, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số của đất nước.
Hiện nay, thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch COVID-19. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Những tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 được xem là chất xúc tác cho phụ nữ ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số. Đây chính là "đòn bẩy" giúp chị em mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.
Theo bà Đỗ Thị Thu Thảo, từ diễn đàn này, phụ nữ sẽ trở thành những hạt nhân lan tỏa tinh thần: Chuyển đổi số - "vaccine" để góp phần đưa nền kinh tế đất nước vượt qua đại dịch, sẵn sàng "sống chung với dịch", thực hiện mục tiêu kép, tự tin bước ra thị trường trên không gian số để phát huy tài năng, bản lĩnh.
Diễn đàn "Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh" đã đưa ra những gợi ý quý báu để các cấp Hội có thêm những hướng đi mới trong đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội; đồng thời định hướng các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, chủ động tham gia vào chuyển đổi số của từng địa phương. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; thúc đẩy các giải pháp rút ngắn khoảng cách giới trong kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng.
Đánh giá về vai trò của công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo cũng như thực trạng và khả năng tiếp cận, thích ứng với công nghệ số của doanh nghiệp, hộ kinh doanh nữ hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng cho biết: Chuyển đổi số và thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong đại dịch. Đứng trước những khó khăn và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch COVID-19 đã trở thành "cú huých" lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại với thời cuộc.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đóng vai trò thiết thực trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, mang đến lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng. Quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều thử thách nhưng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Phiên thảo luận: Ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm là dịp để các chị em được giao lưu với các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước, chuyên gia làm việc tại các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ và những doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh.
Tại Diễn đàn, các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển công nghệ số, nhà quản lý; doanh nghiệp nữ thành công trong ứng dụng kinh tế số đã chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, quý báu về vai trò của công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo; thực trạng và khả năng tiếp cận, thích ứng với công nghệ số của doanh nghiệp nữ, hộ kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp hiện nay.
Diễn đàn đã giúp phụ nữ có thêm thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để tự tin, mạnh dạn tham gia vào “dòng chảy” chuyển đổi số; tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, nhạy bén, chủ động nắm bắt cơ hội, chủ động thực hiện chuyển đổi số, tham gia giao dịch thương mại điện tử, tìm ra cơ hội từng bước phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện đại, bắt kịp sự phát triển của kinh tế đất nước và nền kinh tế số…