Chung tay giảm thiểu TNGT đường bộ

80% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng do lỗi của người điều khiển phương tiện. Do đó, theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, các lực lượng chức năng phải kiểm soát và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm về tốc độ; đồng thời thu hồi giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp vận tải hành khách cố tình không chấp hành quy định hộp đen.

 

Kiểm soát tốc độ


Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chung tay giảm thiểu TNGT đường bộ” tại Hà Nội ngày 2/7/2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; Phó Chủ tịch Ủy Ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Đại tá Trần Sơn Hà đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân xung quanh việc chung tay giảm thiểu TNGT.

c vị khách mời tại buổi đối thoại trực tuyến chung tay giảm thiểu TNGT.


Nhiều người dân bức xúc: “Mỗi ngày Việt Nam có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống khi tham gia giao thông. Và tử thần sẽ gọi tên ai?”. 6 tháng đầu năm cả nước có 4.913 người thiệt mạng vì TNGT, tăng cao so với cùng kỳ năm 2012, mặc dù số vụ TNGT giảm. Vậy các cơ quan quản lý nhà nước, những người đảm bảo ATGT phải làm gì để khắc phục tình trạng trên.


Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp mạnh nhất hiện nay, trong đó tập trung nhiều vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thực thi công vụ và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị và Ban ATGT 63 tỉnh, thành phố. Hiện thực hóa Chỉ thị này, Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT đang triển khai “Chiến dịch kiểm soát tốc độ” từ ngày 1/7/2013. Theo tính toán, nếu tốc độ tăng 5%, thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Vì vậy, chiến dịch này đặt ra mục tiêu là sẽ xóa điểm đen, cắm biển báo tốc độ, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường tuần tra, kiểm tra giám sát tập trung và lưu động.

“Nhiều năm nay, chúng ta buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe, lái xe chạy theo lợi nhuận, nên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng… Vì vậy, cần phải siết lại điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải quá tải…”, ông Trần Sơn Hà cho biết thêm.


Ngoài lý do người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, tình trạng nhiều doanh nghiệp vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký, buông lỏng quản lý lái xe cũng là nguyên nhân, dẫn đến tai nạn giao thông...


Thời gian qua, TNGT thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị. Nguyên nhân là do chúng ta chưa kiểm soát tốc độ của xe khách trên hành trình. Ông Trần Sơn Hà cho biết: “Do lái xe đường dài, không được nghỉ, cộng với các yếu tố hạ tầng yếu kém nên lái xe mệt mỏi, không làm chủ được tốc độ và cuối cùng là gây tai nạn. Do đó, việc xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm luật giao thông thông qua thiết bị giám sát hành trình bắt đầu từ ngày 1/7 sẽ góp phần khắc phục được tình trạng này. Bên cạnh đó, việc siết chặt kiểm tra, kiểm soát ngay từ khi xuất bến đối với các xe và không dung tha các trường hợp lực lượng chức năng có hành vi “mãi lộ” sẽ hạn chế được TNGT từ gốc. Ông Trần Sơn Hà khẳng định: Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT đã xử lý gần 3 triệu trường hợp vi phạm giao thông với số tiền phạt khoảng 1.500 tỷ đồng, đồng thời xử lý trên 20 trường hợp CSGT vi phạm, có tiêu cực bằng hình thức cho chuyển khỏi ngành hoặc xử lý trước pháp luật.


Về việc lái xe bất cẩn trên đường do bị chủ xe ép tiến độ, thời gian, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Từ ngày 1/7/2013 trở về trước, đã có quy định các xe khách phải gắn hộp đen nhưng lực lượng chức năng chưa kiểm tra xử phạt những chủ phương tiện chưa chấp hành quy định này. Tuy nhiên từ ngày 1/7/2013 trở đi, Bộ sẽ tiến hành xử phạt đối với tất cả chủ xe và lái xe không lắp thiết bị hành trình cho xe cũng như có lắp nhưng thiết bị không hoạt động.

 

Loại bỏ những doanh nghiệp không lắp hộp đen


Ngay trong ngày 1/7, qua kiểm tra, tại các bến xe của Hà Nội, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện 12/17 xe khách không lắp hộp đen hoặc hộp đen chỉ được lắp cho có. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định: Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.


Theo thống kê, cả nước hiện có 48.600 xe trong diện phải lắp hộp đen, nếu không tuân thủ quy định này chủ phương tiện sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có tới trên 200.000 xe ô tô đã lắp hộp đen. “Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vận tải đã nhìn nhận được những lợi ích do hộp đen mang lại trong kinh doanh vận tải. Số ít doanh nghiệp coi thường giá trị của hộp đen không xứng đáng tiếp tục kinh doanh trên thị trường, đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách và sẽ bị loại bỏ”, ông Hiệp cho biết. Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ công khai các doanh nghiệp này trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.


Thực tế còn cho thấy, có hiện tượng lái xe lạm dụng rượu bia, ma túy, nhưng vẫn điều khiển xe và gây TNGT thảm khốc. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, điều này chứng tỏ ý thức của người điều khiển phương tiện còn kém, nhưng ý thức có thể điều chỉnh bằng các chế tài mạnh.


Bài và ảnh:Tiến Hiếu

TNGT và trách nhiệm của người “thổi còi”
TNGT và trách nhiệm của người “thổi còi”

Tại diễn đàn “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” hôm chủ nhật vừa rồi, ngoài việc nhận trách nhiệm, người đứng đầu Bộ GTVT cũng thừa nhận rằng, nguyên nhân sâu xa là do công tác quản lý nhà nước yếu kém, là trách nhiệm của những người “thổi còi”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN