Trên chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng: Việc tăng mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông là hết sức cần thiết, tuy nhiên theo Bộ trưởng, mức xử phạt phải đảm bảo làm sao người dân có thể chấp nhận được.
Bất chấp những nỗ lực của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG), số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) trong 5 tháng đầu năm 2013 vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 28 người. Đặc biệt là đầu tháng 6 vừa qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng và giải pháp của Bộ Giao thông để hạn chế tình trạng này như thế nào? Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có cuộc trả lời trên chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, phát sóng trong chương trình thời sự tối 30/6, của Đài Truyền hình Việt Nam; Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, qua phân tích và đánh giá số liệu về TNGT trong 5 tháng đầu năm, mặc dù số người chết tăng 28 người, bằng 0,68% so với cùng kỳ 2012, nhưng số vụ TNGT lại giảm sâu tới 2.000 vụ, và số người bị thương giảm hơn 3.000 người. “Như vậy, để giảm thiểu số người chết và bị thương do TNGT, trước tiên phải giảm được số vụ”, Bộ trưởng khẳng định. Thông qua đánh giá số liệu, không phải tất cả các địa phương trên cả nước đều tăng số người chết và số vụ TNGT. Có nhiều tỉnh bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đã giảm được cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong khi đó, một số địa phương lại để số vụ, số người bị chết và bị thương tăng cao so với cùng kỳ. Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản phê bình chủ tịch 9 tỉnh đã để số vụ TNGT tăng cao, đồng thời biểu dương những tỉnh làm tốt.
Cũng theo Bộ trưởng, 5 tháng đầu năm số vụ TNGT giảm, nhưng số vụ tai nạn thảm khốc lại tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là tai nạn xe khách. Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chính và trực tiếp là từ người lái xe, nhưng nguyên nhân sâu xa lại là công tác quản lý nhà nước. Việc cấp phép cho các chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm đảm bảo điều kiện kỹ thuật phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát của các cơ quan nhà nước chưa nghiêm, chưa hiệu quả nên dẫn đến chuyện nhờn luật, thậm chí có cả dấu hiệu dung túng, bao che, xử lý chưa nghiêm, không công bằng...
Về trách nhiệm của những người thực thi công vụ của ngành giao thông, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, đó phải là người thực thi luật pháp, công vụ một cách nghiêm minh, không dung túng, bao che, đảm bảo xử lý đúng vi phạm và mức độ. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và phải làm thường xuyên, liên tục. Đầu tiên là người thực thi công vụ phải được trau rồi bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, đặc biệt là phải tinh thông về pháp luật. Điều quan trọng là người thực thi công vụ phải thực hiện nghiêm minh luật pháp. Bộ trưởng cho rằng phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người vi phạm phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp trong các công đoạn liên quan đến cấp phép lưu hành, đào tạo lái xe, xử lý vi phạm an toàn giao thông... Có vậy mới thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tới đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung kiểm soát chặt điều kiện kinh doanh vận tải, nâng cao trách nhiệm của những người thực thi công vụ, đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất đạo đức, tinh thông nghiệp vụ và có biểu hiện dung túng, bao che cho những sai phạm.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm an toàn giao thông là hết sức cần thiết, tuy nhiên theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mức xử phạt phải đảm bảo làm sao người dân có thể chấp nhận được, cũng như để người dân tự giác nộp phạt. Chính vì vậy, trong công tác triển khai Luật vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát lại các nội dung trong Nghị định 71. Theo đó, những mức phạt cao quá sẽ hạ thấp xuống, giảm hình phạt bổ sung, tập trung vào việc làm sao để người thực thi công vụ phải gương mẫu, nghiêm minh và coi đó là điều kiện, cơ sở hình thành ý thức chấp hành tốt pháp luật cho người dân.
Trọng Thủy