Để chủ động đối phó với thời tiết rét đậm, hiện nay bà con nông dân ở các địa phương đã quây bạt, phủ ni lông chắn gió, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng.
Bảo vệ mạ xuân sớm
Hiện nay, một số địa phương đã gieo một phần diện tích mạ xuân sớm và trung. Theo UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội), toàn huyện đã gieo được khoảng 26% tổng diện tích mạ. Do đó, “huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm ngặt quy trình che phủ kín ni lông theo hình vòm để chống rét và sương muối. Đặc biệt, chỉ được gieo cấy khi thời tiết trên 15 độ C”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Kinh tế cho biết.
Sưởi ấm cho đàn lợn của một hộ dân ở thôn 4, xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh: Lại Minh Đông – TTXVN |
Để hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc, ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các xã tăng cường kiểm tra thực tế đồng ruộng, xác định thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại. Nếu xã nào có tình trạng mạ, lúa xuân, cây trồng, vật nuôi bị chết rét thì chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo ông Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm - Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do gieo sớm nên một số diện tích mạ đã bị chết. Điển hình như ở Hà Tĩnh, 30% diện tích mạ bị chết rét.
Ông Hải cho biêt thêm: “Cục Trồng trọt đã gửi hai công văn cho các địa phương yêu cầu, đối với diện tích mạ sớm phải tích cực thực hiện các biện pháp chống rét như che phủ ni lông, giữ nước ấm chân ruộng 2 - 3 cm, bón thêm ka li và tro bếp. Đối với lúa đã cấy phải đảm bảo đủ nước, không được bón đạm, bón thêm ka li để tăng khả năng chống rét. Nếu thời tiết dưới 15 độ C thì không được cấy”.
Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng cử các đoàn kiểm tra tới khu vực Bắc Trung bộ gồm các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình… “Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đều thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng do tập quán ở một vài nơi, người dân đã gieo sớm hơn so với hướng dẫn của bộ, nên mạ bị chết”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các công ty giống chủ động cân đối nguồn giống để phục vụ trà xuân muộn. Phải có kế hoạch cung ứng dự phòng để bù đắp diện tích mạ bị chết.
Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, tỉnh đã chuẩn bị 600 tấn giống cho các huyện, xã. Đồng thời, cùng với các huyện, xã kiểm tra sát sao tình hình, chỉ đạo bà con tuyệt đối không để diện tích nào bị bỏ trống. Khi nào hết rét sẽ tiến hành gieo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trà xuân muộn sẽ được tập trung gieo xung quanh tiết lập xuân, trong khoảng từ 15/1 tới đầu tháng 2. Mùa vụ năm nay sẽ không thiếu giống do các địa phương đã có kế hoạch bổ sung khi cần. Ngoài ra, chương trình dự trữ giống Quốc gia mỗi năm cung ứng khoảng 3.000 tấn giống để Nhà nước hỗ trợ cho các tỉnh gặp thiên tai.
Quây kín chuồng trại
Đối với vật nuôi, rút kinh nghiệm sau đợt rét đậm các năm trước, người dân đã quan tâm tới việc xây dựng chuồng trại kín và dự trữ thức ăn chống rét cho vật nuôi. Ông Nguyễn Dân, thôn Dân Lập, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết: “Năm ngoái nhà tôi có một con nghé bị chết rét, thiệt hại gần 5 triệu đồng nên năm nay phải cẩn thận hơn. Nếu trời quá rét thì chúng tôi không thả trâu, bò ra đồng”.
Theo ông Dân, ngoài quây kín chuống trại, người dân còn dự trữ sẵn rơm khô, gieo ngô non để làm thức ăn chống rét cho đàn gia súc.
UBND huyện Thạch Thất cũng đã có công văn chỉ đạo các xã tăng cường phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Trong đó yêu cầu các địa phương hướng dẫn bà con gia cố, che chắn, giữ ấm chuồng trại. Cùng với đó, tăng cường thức ăn giàu năng lượng và dùng bao tải phủ kín lưng trâu, bò.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao, Cục Chăn nuôi cũng liên tục yêu cầu các tỉnh báo cáo kịp thời tình hình chống rét. Để phòng các đợt rét đậm, rét hại, bà con nên theo dõi sát tình hình thời tiết. Nếu thời tiết quá rét thì không được thả rông trâu bò, quây kín chuồng trại, cung cấp thức ăn đầy đủ cho gia súc. Cho gia súc uống nước nóng có pha thêm chút muối để chống lạnh hoặc có thể cho gia súc sưởi bằng than.
Để chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người dân cần che chắn kín chuồng trại. Một con trâu (bò) phải có 5 – 7 kg rơm hoặc cỏ khô/ngày. Không chăn thả hoặc bắt trâu bò cày kéo vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ xuống dưới 120C, bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin, nước ấm cho gia súc để tăng sức đề kháng.
Hữu Vinh