Để làm rõ hơn những thành quả đạt được trong năm 2023 cũng như định hướng triển khai nhiệm vụ trong năm 2024, phóng viên TTXVN đã cuộc phỏng vấn ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Nhìn lại năm 2023, công tác phòng, chống thiên tai đã có những dấu ấn nổi bật gì, thưa ông?
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.145 trận thiên tai, đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. 2023 là năm thiên tai bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm, không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích với thiệt hại kinh tế ước khoảng 8.236 tỷ đồng. Trước diễn biến thiên tai cực đoan, lực lượng phòng, chống thiên tai và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã kịp thời, quyết liệt vào cuộc; chủ động tham mưu “từ sớm, từ xa”, phối hợp kịp thời với các Bộ, ngành, địa phương, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Dấu ấn nổi bật trong năm qua đối với ngành Phòng, chống thiên tai là việc tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và đưa các văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống. Ngành phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia, Kế hoạch quốc gia, Quy hoạch phòng, chống thiên tai, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai trong đó có Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai,…
Ngành tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch các cơ chế hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023; tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các hội nghị cấp Bộ trưởng; hội nghị thường niên lần thứ 43 của Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai và các cuộc họp liên quan, từ đó thông qua “Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”.
Bên cạnh đó, ngành tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2023 với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai; các Cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”; Giải chạy hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai,…; ứng dụng công nghệ, nền tảng mạng xã hội trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai…
Ông đánh giá thế nào về công tác ứng phó với thiên tai của các địa phương, đặc biệt là trong đợt mưa lũ cao điểm tại khu vực miền Trung vào tháng 10/2023?
Trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, cùng với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và chính quyền các cấp địa phương đã quan tâm, vào cuộc quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó tại cơ sở; sơ tán kịp thời người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, không để xảy ra thiệt hại về người do nguyên nhân không sơ tán kịp thời tại các khu vực nguy hiểm.
Lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông tránh những thiệt hại đáng tiếc, đồng thời điều tiết hiệu quả, kịp thời các hồ chứa góp phần cắt lũ cho hạ du, nhất là trên lưu vực sông Hương.
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo cơ quan thường trực và Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tiếp nhận, ứng cứu cho 700 trường hợp cần hỗ trợ. Cùng với đó, thông tin dự báo, cảnh báo sớm về mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đã được truyền tải kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân. Cộng đồng đã chủ động chuẩn bị và ứng phó phù hợp với thực tiễn theo phương châm 4 tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Năm 2023-2024, nước ta chịu ảnh hưởng nặng bởi hiện tượng El nino khiến khu vực đồng bằng sông Cửu Long gia tăng triều cường và hạn hán, xâm nhập mặn. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực phòng, chống thiên tai, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã đề ra những giải pháp khả thi nào ứng phó với các hình thái thiên tai trên trong thời gian tới?
Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 397/CĐ-TTg, ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 3222/BNN-TL ngày 19/5/2023 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg.
Các đoàn công tác liên ngành đã làm việc với từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc bố trí cơ cấu thời vụ, diện tích canh tác và việc triển khai các giải pháp chỉ đạo sản xuất ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, phương án, chỉ thị về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2023-2024.
Thời gian tới, Cục tiếp tục tham mưu, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai biện pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc rà soát, cập nhật phương án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, chú ý các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi. Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo tiếp theo của các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương và địa phương; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước về các hồ chứa thủy lợi, thuỷ điện; điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp; tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường công tác trực ban, báo cáo kịp thời diễn biến thực tế tại địa phương để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có phương án chỉ đạo, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Theo ông, cần có những giải pháp cụ thể gì để công tác ứng phó với thiên tai ngày càng chủ động, từ sớm, từ xa, hướng tới một xã hội an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường?
Trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, trong đó chú trọng vai trò, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông và các nhà mạng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai; tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai, nhất là khắc phục hậu quả theo hướng xây dựng lại tốt hơn.
Lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai; nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!