Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 46/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị tổng kết công tác 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Chú thích ảnh
 Dự án kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Theo đó, ngày 24/1/2024, tại Trụ sở Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ủy ban quốc gia) và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo quốc gia).

Sau khi nghe báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trên thế giới xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản; đối với nước ta, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực, nhất là Tây Nguyên và miền núi Bắc Bộ, nhiều sự cố khác, đặc biệt là vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, một số vụ tai nạn tàu thuyền trên biển... đã để lại hậu quả đáng tiếc, thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến người dân.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đã cơ bản triển khai tốt các kế hoạch đề ra từ đầu năm 2023; theo dõi sát tình hình, chủ động, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, sự cố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân: Nhận thức của một bộ phận người dân, cơ sở sản xuất, chính quyền cơ sở về trách nhiệm phòng ngừa sự cố, thiên tai vẫn chưa thực sự được quan tâm đầy đủ, đúng mức nên vẫn còn có trường hợp chủ quan. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các quy định pháp luật, hướng dẫn về phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa thường xuyên, liên tục dẫn tới những sơ hở trong quản lý đất đai, xây dựng đô thị, phòng cháy chữa cháy. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là phương tiện cứu hộ cứu nạn khẩn cấp ở vùng sâu, vùng biển xa, nhà cao tầng.

Năm 2024, theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, cực đoan; bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố ở các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, cần nâng cao cảnh giác, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống sự cố, thiên tai, không để bị động, bất ngờ.

Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ năm 2024 đã được nêu tại Báo cáo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đề nghị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý: Xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và triển khai Luật phòng thủ dân sự. Kiện toàn cơ quan chỉ đạo theo quy định của Luật phòng thủ dân sự trên tinh thần rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm của từng thành viên, bảo đảm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Các bộ, ngành chủ động rà soát, báo cáo rõ những vướng mắc, bất cập (nếu có) và kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền phương án sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, sự cố, giữ vững nguyên tắc “phòng hơn chống”, “lấy phòng ngừa làm chính”: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước xây dựng được ý thức tự giác, cùng tham gia, tự bảo vệ mình cho người dân; hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân để giảm thiệt hại khi có thiên tai, sự cố, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước, ứng phó khi xảy ra bão, lũ, sạt lở đất, cháy.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng, chống sự cố, thiên tai, đặc biệt trong công tác phòng, chống cháy nổ.

Tăng cường đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và cứu hộ cứu nạn, nhất là ở cơ sở.

Chủ động làm tốt công tác phối hợp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố: Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, cơ quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong chỉ đạo, điều phối, huy động lực lượng ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Triển khai công tác huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cho lực lượng làm công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó lưu ý diễn tập phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, các tình huống đặt ra trong diễn tập phải sát thực tế.

Bố trí hợp lý, sử dụng hiệu quả phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai; chủ động đề xuất mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị thật sự cần thiết, nhất là phương tiện, trang thiết bị cho cứu hộ, cứu nạn.

Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống sự cố, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

TTXVN/Báo Tin tức
Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển
Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển

Sáng 21/10, tại thành phố Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị giao ban Cụm đô thị Nam Trung Bộ năm 2023 với chủ đề “Quản trị rủi ro và phòng chống thiên tai tại các đô thị ven biển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN