Đến thời điểm này, các hộ dân vẫn chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Việc dự án “treo” ảnh hưởng tới vấn đề quản lý đất tại địa phương và các quyền lợi của người dân.
Năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Quyết định 1827 phê duyệt Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở và tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy. Dự án này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thông quản lý, thực hiện.
Dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở và tu bổ, nâng cấp tuyến đê tả sông Đáy từ K88 đến K137+516 đã được triển khai xây dựng từ tháng 4/2010 nhưng chỉ sau một thời gian phải tạm dừng.
Hơn 9 năm qua, mặc dù UBND huyện Thanh Liêm đã ban hành Quyết định thu hồi đất nhưng chưa thực hiện các bước chi trả, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, cơ chế, chính sách và giá bồi thường, hỗ trợ đất thu hồi giải phóng mặt bằng của Nhà nước thường xuyên có sự thay đổi qua từng thời điểm.
Bên cạnh đó còn liên quan trực tiếp đến việc cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình khi có biến động về diện tích.
Trong vùng dự án, nhiều hộ dân muốn chuyển nhượng đất nhưng không thực hiện được, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi gia đình. Vì khi có quyết định triển khai dự án, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Liêm đã có văn bản yêu cầu đối với các hộ dân thuộc dự án khi chuyển nhượng đất phải cắt lại phần diện tích đất theo quyết định thu hồi năm 2009 của UBND huyện Thanh Liêm.
Thế nhưng, người dân băn khoăn vì không biết dự án có tiếp tục triển khai hay không để thực hiện việc cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hệ lụy từ việc chậm thực hiện dự án khiến các giao dịch liên quan đến khế ước bảo đảm tài sản khi vay vốn ngân hàng được thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây nhiều khó khăn cho các gia đình trong vùng dự án.
Ông Đinh Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm cho biết, Dự án chống sạt lở khẩn cấp đê tả Đáy qua địa phận xã Thanh Tân kéo dài nhiều năm, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án mà còn gây khó khăn trong quản lý đất.
Hiện một số hộ dân tự ý xây dựng nhà ở ngay trên phạm vi đất thu hồi. Trong số đó, có gia đình xây dựng nhà kiên cố, nhà 2 tầng. Như vậy, nếu dự án tiếp tục thực hiện, đề nghị chủ đầu tư phải điều chỉnh lại phương án bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản trên đất của các hộ dân theo đúng Luật Đất đai năm 2013, đồng thời tập trung giải quyết những vi phạm trên đất đã có quyết định thu hồi.
Theo ông Đinh Văn Đoàn, nếu Nhà nước tiếp tục đầu tư để triển khai dự án cần thực hiện càng sớm càng tốt để tạo điều kiện cho người dân đi lại cũng như thực hiện giao dịch khác. Trường hợp không tiếp tục triển khai dự án cần có văn bản thu hồi các quyết định thu hồi đất để người dân thuận lợi trong giao dịch, làm nhà, vay vốn ngân hàng và chuyển nhượng đất.
Liên quan đến dự án này, ông Nguyễn Đình Thuấn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, tháng 4/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Nam đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hà Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Theo văn bản này, dự án từ K88 đến K137 + 516 đã triển khai xây dựng từ tháng 4/2010 đến nay còn tồn tại một số hạng mục đang thi công dở dang là kè Thụy Lôi, kè Đanh Xuyên. Các hạng mục chưa thi công gồm: Đoạn 4: Từ K22 đến K128 + 015 và đoạn 5 từ K28 + 285 đến K134 + 685 và đoạn 6 từ K35 + 863 đến K137 + 516 thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm đây là công trình nâng cấp đê điều được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
Việc triển khai các hạng mục công trình thực hiện theo kế hoạch nguồn vốn được bố trí hàng năm. Hiện nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 không được bố trí, vì vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện các hạng mục đang thi công dở dang. Dừng không thi công các hạng mục chưa thi công trên địa bàn huyện Thanh Liêm để có cơ sở cho UBND huyện Thanh Liêm ra văn bản thu hồi quyết định thu hồi đất.
Tuy nhiên, mới đây, chủ đầu tư đã phối hợp với Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trình UBND tỉnh Hà Nam gia hạn thời gian thi công dự án đến hết năm 2020, đồng thời bố trí kinh phí để chi trả giải phóng mặt bằng. Khi có kinh phí đầu tư xây dựng dự án sẽ tiếp tục giao UBND huyện Thanh Liêm tổ chức điều chỉnh, lên phương án đền bù theo quy định tại thời điểm hiện tại để thanh toán cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Về việc chuyển quyền sử dụng đất, chủ đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giải quyết theo quy định để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của người dân có đất thu hồi phục vụ dự án.